Truyền hình trực tiếp: Quốc hội chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông

VTV News-Thứ sáu, ngày 04/11/2022 06:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn chính nhóm vấn đề thứ 2.

VTV.vn - Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/11 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn (8h00) - 04/11/2022

Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn (9h50) - 04/11/2022

Hôm nay (4/11), Quốc hội bước vào ngày thứ 2 của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và các thành viên Chính phủ liên quan, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm:

+ Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

+ Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

+ Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn sáng 4/11 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok...

Trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Trong đó, báo cáo tập trung về công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác cũng như việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Báo cáo nhấn mạnh, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước là một trong những phương thức truyền thông phổ biến hiện nay. Bên cạnh mặt tích cực là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, lan tỏa thông tin chính thống trên môi trường mạng thì trong thời gian gần đây, tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội (trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất tin bài, nội dung như cơ quan báo chí) có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội khi có nhiều tổ chức, doanh nghiệp bị các đối tượng này viết tin bài dưới dạng điều tra, phản ánh thông tin không có căn cứ để đe dọa, nhũng nhiễu.

Các trang mạng nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động như một kênh sản xuất, phân phối nội dung, chủ sở hữu các nền tảng lớn như Facebook, Youtube, TikTok… thường đưa ra các quy định riêng của mình để quản lý nội dung (gọi tên là tiêu chuẩn cộng đồng) và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế tuân theo luật pháp quốc gia sở tại.

Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do các quy định, chế tài xử lý còn bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT xử lý 134 tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, 14 tên miền có dấu hiệu cung cấp thông tin quảng cáo cho các dịch vụ trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc; ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp trang thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền trên 1.944.500.000 đồng.

Cơ quan chức năng cũng ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6.128.150.000 đồng.

Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%) . Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em. Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho biết vẫn còn tồn tại, hạn chế như khái niệm "báo hoá", "tư nhân hoá" báo chí chưa được quy định cụ thể. Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng, điển hình như hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nội dung phát tán nhanh, khi có vi phạm thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình cần mất thời gian.

Yêu cầu Facebook, Google, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm Yêu cầu Facebook, Google, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm

VTV.vn - Bộ TT&TT cho biết, tình trạng tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước