Tình trạng "báo hóa", tin giả gây bức xúc
Trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trong đó, báo cáo tập trung về công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác cũng như việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Theo đó, Bộ TT&TT cho biết, nội dung thông tin trên các trang mạng, trang thông tin điện tử, nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn:
Thứ nhất, từ tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ TT&TT cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Thứ hai, từ các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt; từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook (70 triệu tài khoản), Youtube (có 60 triệu tài khoản), Tiktok (45 triệu tài khoản) là các mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV.
Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước là một trong những phương thức truyền thông phổ biến hiện nay. Bên cạnh mặt tích cực là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, lan tỏa thông tin chính thống trên môi trường mạng thì trong thời gian gần đây, tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội (trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất tin bài, nội dung như cơ quan báo chí) có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội khi có nhiều tổ chức, doanh nghiệp bị các đối tượng này viết tin bài dưới dạng điều tra, phản ánh thông tin không có căn cứ để đe dọa, nhũng nhiễu.
Các trang mạng nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động như một kênh sản xuất, phân phối nội dung, chủ sở hữu các nền tảng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Netflix… thường đưa ra các quy định riêng của mình để quản lý nội dung (gọi tên là tiêu chuẩn cộng đồng) và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế tuân theo luật pháp quốc gia sở tại.
Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do các quy định, chế tài xử lý còn bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ.
Yêu cầu gỡ bỏ 16 nhóm Facebook, ngăn chặn 6 kênh Youtube trong năm 2022
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet.
Bộ đã đưa ra các biện pháp chấn chỉnh đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này.
Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan đã quyết liệt xử lý tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từng bước hạn chế tình trạng này.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để quản lý, xử lý theo thẩm quyền về những hành vi sai phạm trên không gian mạng, nhất là hành vi tung tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp…
Bộ TT&TT cũng tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, hoàn thiện quy định trong quản lý hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Đáng chú ý, Bộ TT&TT đã rất chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhiệm vụ này.
Chủ động rà quét, theo dõi, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng nhằm xác định, phát hiện các nguồn thông tin xấu độc, các vấn đề nóng dư luận quan tâm để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, trong đó nổi bật là việc thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia có chức năng là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước, với khả năng rà quét 300 triệu thông tin/ngày; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ rà quét, nắm bắt dư luận xã hội trên mạng để cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương sử dụng.
Kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT xử lý 134 tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, 14 tên miền có dấu hiệu cung cấp thông tin quảng cáo cho các dịch vụ trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc; ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp trang thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền trên 1.944.500.000 đồng.
Cơ quan chức năng cũng ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6.128.150.000 đồng.
Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%) . Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em. Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cho biết vẫn còn tồn tại, hạn chế như khái niệm "báo hoá", "tư nhân hoá" báo chí chưa được quy định cụ thể. Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng, điển hình như hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, nội dung phát tán nhanh, khi có vi phạm thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình cần mất thời gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!