Tuần qua, tại khu vực Trung Đông, Nam Á, hai tiếng Việt Nam được nhắc đến với một tần suất đặc biệt. Những bài viết về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không chỉ dưới dạng đưa tin mà còn có những bài phân tích bình luận.
Như lý giải trên Thời báo Ấn Độ, đó là bởi trong 5 năm qua, "Việt Nam đã nổi lên như một nhân tố chủ chốt tại Đông Nam Á, có tiếng nói quan trọng đối với tiến trình phát triển của khu vực". "Điều này càng được minh chứng khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong năm ngoái hay như có cách tiếp cận thực tế trong thương mại, giúp các bên tiến tới ký kết được hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trên thế giới".
Với những lập luận đó, bài viết cho rằng, "Nếu Việt Nam thành công, Đông Á sẽ thành công". "Nó giải thích vì sao, cộng đồng quốc tế đang dành một mối quan tâm chặt chẽ tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng."
Nhiều tờ báo cũng nhắc lại, Việt Nam thời gian qua là điểm đến của không ít những tập đoàn đa quốc gia nhờ một môi trường ổn định với những cơ chế thương mại tự do mà Việt Nam đã tạo ra. Cộng đồng quốc tế vì thế ngóng chờ vào con đường phía trước mà Việt Nam đang hứa hẹn, thông qua Đại hội Đảng lần thứ XIII lần này.
Bài viết trên trên trang mạng Thời báo Kuwait cho rằng "sự hội nhập quốc tế đã đem đến cho Việt Nam một vị thế tại khu vực và trường quốc tế"... "Với sự ổn định chính trị, người dân Việt Nam đang tin tưởng vào hệ thống chính trị và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quyết sách quan trọng của Đảng, vì thế, thường được sự ủng hộ của người dân Việt Nam".
Trong khi đó, một bài viết trên trang mạng của Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế Vivekananda của Ấn Độ đã có bài phân tích, trong đó nêu bật vai trò của Đảng đối với sự phát triển của Việt Nam thời gian qua.
Theo bài viết, ngay cả trong những khó khăn thách thức của năm 2020, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Là một trong mười quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm vừa qua "phản ánh một thực tế rằng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có thể vượt qua rất nhiều thách thức trong chặng đường phát triển". "Nó sẽ đặt nền móng để Việt Nam tiến tới trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!