Từ chuyện thiếu thuốc, "sợ sai": Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 27/07/2022 07:17 GMT+7

VTV.vn - Trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi và phát triển đất nước ngày nay, những cán bộ dám hành động vì lợi ích chung, vì dân, vì nước đang cần hơn bao giờ hết.

Thiếu thuốc vì cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Nhiều bệnh viện công đang trong tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần là do "tâm lý sợ sai" của một số cán bộ phụ trách lĩnh vực mua sắm, đấu thầu thuốc.

Khen thưởng những chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch - một chủ trương đúng và đầy nhân văn của Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể thực hiện kịp thời khi cán bộ không dám quyết, e ngại.

Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã có, nhưng rõ ràng để đi vào cuộc sống, cùng với quyết tâm hành động, chủ trương này cần được thể chế hóa thành các cơ chế, qui định cụ thể hơn trong thời gian tới.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những bệnh viện tuyến cuối ở khu vực phía Nam, trong thời gian qua bệnh viện này luôn ở trong tình trạng thiếu thuốc và sinh phẩm xét nghiệm. Đã có những ca phẫu thuật không thể triển khai. Nhiều bệnh nhân không được điều trị theo đúng phác đồ chuẩn do không có thuốc và vật tư y tế cần thiết.

Không phải chỉ có bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện đang là vấn đề chung tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công trong cả nước.

Từ chuyện thiếu thuốc, sợ sai: Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 1.

28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc

Theo Bộ Y tế, một thống kê mới đây từ 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Hiện đã có nhiều nỗ lực để nối lại nguồn cung thuốc, thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. Sau khó khăn, có nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm và khắc phục. Nhưng có một vấn đề cần được khắc phục ngay, đó là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tổ chức đấu thầu sau hàng loạt những sai phạm của một số cán bộ ngành y tế vừa bị khởi tố, điều tra, xử lý.

PGS.TS. Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cái sợ sai và không dám quyết có 2 dạng. Cái dạng thứ nhất là không nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng thì mới sợ sai. Còn nếu nắm vững rồi thì trên cơ sở những cái quan điểm, chủ trương, chính sách mới đây, chúng ta vận hành nhưng đồng thời đề xuất lên để xin phép làm thí điểm thì không sợ sai. Cái thứ hai là kém về phẩm chất đạo đức, chưa đủ, chưa ngang tầm, chứ nếu vì dân, vì nước thì hy sinh chúng ta cũng làm".

Lời xin lỗi của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra gần đây. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng đã kiến nghị thành phố sớm bố trí kinh phí để thưởng cho hàng chục nghìn nhân viên y tế vốn đã nhận bằng khen từ hơn 6 tháng trước.

Chắc chắn, khi lao mình vào tâm dịch, những nhân viên y tế chỉ nghĩ đến việc cứu mạng người bệnh. Nhưng sau dịch bệnh, số tiền thưởng, dù ít ỏi vẫn là chế độ đãi ngộ phải có với họ.

Vừa qua, đã có hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh xin nghỉ việc. Một trong rất nhiều nguyên nhân là sau những nỗ lực, cống hiến, họ đã không được ghi nhận, khen thưởng kịp thời.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh chia sẻ tâm tư các y bác sĩ: "Ngay cả tiền chống dịch đã chậm rồi, người ta đã chịu đựng như vậy rồi, thêm bây giờ nữa. Rõ ràng người ta thấy rằng đối với công việc đã làm thì những đồng tiền mang tính khuyến khích gần như không có".

Để xảy ra sự việc nói trên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân là sự chậm trễ, thiếu quyết liệt, thiếu quyết tâm của không ít cán bộ liên quan. Ông nhấn mạnh, chủ trương khen thưởng đã có từ lâu, nhưng khi thực hiện, thì những cán bộ thực thi lại xử lý công việc một cách máy móc, cứng nhắc. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng đã thẳng thắn xin lỗi, nhận trách nhiệm.

Từ chuyện thiếu thuốc, sợ sai: Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thẳng thắn xin lỗi, nhận trách nhiệm trong việc chậm khen thưởng nhân viên y tế tham gia chống dịch (Ảnh: PLO)

Ông Nguyễn Văn Nên nói: "Xảy ra không bình thường thì làm gì có dự kiến, dự trù cho khen thưởng. Trong khi đề xuất thực hiện chủ trương của Thường vụ thì lại bảo không có trong dự trù. Trong trường hợp đặc biệt thì phải tìm cách tham mưu để có cơ chế đặc biệt".

"Bí thư xin nhận lỗi trước các đồng chí bởi vì đó là sự quan liêu của mình, không có kiểm tra. Cho tới hôm họp bên Ủy ban, tôi mới nghe câu chuyện này" - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nói lời xin lỗi.

TS. Thạch Kim Hiếu, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Lời xin lỗi chân thành của Bí thư Thành ủy đã thể hiện một tinh thần cầu thị, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố. Qua đó cũng đã truyền tải thông điệp về việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm của chúng ta hiện nay. Đồng thời điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận và tri ân sâu sắc đến sự đóng góp to lớn của tuyến đầu chống dịch".

Sau lời xin lỗi của Bí thư Nguyễn Văn Nên, hiện đã có gần 26.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia chống dịch nhận được tiền thưởng. Sự khắc phục kịp thời này không chỉ để giữ đúng cam kết, biểu thị lòng biết ơn đối với những người đã lao vào tâm dịch, mà còn cho thấy hiệu quả sâu sắc khi người đứng đầu nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.

Gần đây, lần đầu tiên một Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành.

Từ chuyện thiếu thuốc, sợ sai: Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 3.

Theo Kết luận này, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích những cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương phân tích: "Kết luận có hai điểm nhấn. Điểm nhấn thứ nhất là phải khuyến khích những cán bộ năng động, sáng tạo. Điểm thứ hai là đối với những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới mà vì lợi ích chung thì cần phải bảo vệ những cán bộ đó. Điểm nhấn thứ ba nữa là quy định kết luận của Bộ Chính trị nghiêm cấm việc lợi dụng Kết luận này để vụ lợi cá nhân".

Chủ trương khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm đã có. Nhưng trở lại với tình trạng thiếu thuốc vật tư y tế tại các bệnh viện công hiện nay và câu chuyện khen thưởng lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy giữa chủ trương và thực tiễn cuộc sống vẫn đang có một khoảng cách không nhỏ. Và khoảng cách này rất cần sớm được thu hẹp lại.

Yêu cầu cấp bách thể chế hóa chủ trương khuyến khích cán bộ "6 dám"

Phố Hàng Gai (Hà Nội) cách đây 5 năm khi thành phố ra quân rầm rộ trong lập lại trật tự đô thị. Từng hàng dài xe máy được dựng ngay ngắn. Người đi bộ được thoải mái dạo bước trên vỉa hè với không gian dành riêng cho mình.

Từ chuyện thiếu thuốc, sợ sai: Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 4.

Phố Hàng Gai (Hà Nội) cách đây 5 năm...

Từ chuyện thiếu thuốc, sợ sai: Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 5.

... và hiện tại

Còn Phố Hàng Gai của hiện tại, nhiều xe máy để lộn xộn trên vỉa hè. Sự ngay ngắn trật tự - kết quả của đợt ra quân lấy lại vỉ hè cho người đi bộ đã biến mất.

Năm 2017, sau đợt ra quân, hàng loạt tuyến phố ở Hà Nội lúc đó đã như được khoác một chiếc áo mới: Quy củ, gọn gàng và có không gian cho người đi bộ.

Nhưng kết quả này đã không được duy trì. Chỉ một thời gian ngắn sau đợt ra quân rầm rộ của các lực lượng chức năng, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, vỉa hè đã nhanh chóng bị tái chiếm.

Có thể để lập lại trật tự đô thị, mà bắt đầu chính từ những vỉa hè ở Thủ đô là việc không đơn giản. Để tạo ra được chuyển biến thực tế và lâu dài trong cộng đồng, bên cạnh một giải pháp tổng thể hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Nhưng cần hơn cả vẫn là tinh thần tinh thần dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ. Trật tự đô thị sẽ khó có thể được thiết lập nếu thiếu đi những cán bộ dám hành động và sẵn sàng vượt qua được sức ép từ các nhóm lợi ích liên quan.

TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: "Nếu chúng ta không chọn được những người quyết liệt dám nghĩ, dám làm, gương mẫu, chứng tỏ vai trò lãnh đạo, khẳng định mình, dám quyết tâm làm thì chắc chắn không thể vượt qua được chính mình, chứ chưa nói đến các nhóm lợi ích, cám dỗ của kinh tế thị trường".

Có một thực tế là bên cạnh một bộ phận không nhỏ cán bộ dù đã "dám nghĩ, dám làm, dám hành động" nhưng chưa thật sự kiên trì và đủ quyết tâm để đi đến cùng, thì còn có không ít cán bộ chưa "dám hành động". Bởi chủ trương khuyến khích cán bộ "6 dám" của Đảng vẫn chưa được thể chế hóa bằng những quy định luật pháp cụ thể. Đây là một yêu cầu cấp bách đang được đặt ra lúc này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Phải khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Từ chuyện thiếu thuốc, sợ sai: Cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - Ảnh 6.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Thực tế, không ai dám đảm bảo 100% rằng những cán bộ dám hành động, dám "phá rào" sẽ luôn luôn thành công. Do đó, để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: "Nếu việc thí điểm mà kết quả không đạt hoặc xảy ra thiệt hại thì các cơ quan chức năng phải đánh giá công tâm, xem xét nếu thực hiện có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm".

Quy định này khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng đối với cơ chế đề cao sự năng động, sáng tạo của cán bộ vì lợi ích chung, dù rằng, còn nhiều điều phải làm để chủ trương này đi vào cuộc sống.

Trong giai đoạn đẩy mạnh phục hồi và phát triển đất nước ngày nay, những cán bộ dám hành động vì lợi ích chung, vì dân, vì nước đang cần hơn bao giờ hết.

Tạo đột phá từ quyết tâm dám nghĩ dám làm Tạo đột phá từ quyết tâm dám nghĩ dám làm

VTV.vn - Cán bộ sẵn sàng đổi mới, đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung nghĩa là phải vượt qua nếp nghĩ, thói quen cũ và cả định kiến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước