Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương là Đảng bộ trực thuộc Trung ương được thành lập theo Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị. Đảng bộ Khối có 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 33 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính và 02 đảng bộ cơ quan với 1.102 tổ chức cơ sở đảng (711 đảng bộ cơ sở, 391 chi bộ cơ sở) và 81.835 đảng viên. Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Khối đối với các đảng bộ trực thuộc có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Các doanh nghiệp trong Khối giữ vững vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ứng phó với những biến động thị trường, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo việc làm và đời sống ổn định cho hơn 720 nghìn lao động.
Thực trạng mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối
Mô hình tổ chức đảng được thực hiện theo Quy định 196-QĐ/TW, ngày 22/11/2008 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước. Hiện nay, trong toàn Đảng bộ Khối có 11 đảng bộ toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty và 22 đảng bộ công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhìn chung, cả hai mô hình trên đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Với đặc thù của doanh nghiệp kinh doanh, các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối hoạt động rộng khắp trong toàn quốc và một số ở nước ngoài. Tổ chức đảng trong các đơn vị thành viên của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, đơn vị chủ yếu thuộc Đảng bộ Khối, một số trực thuộc cấp ủy địa phương.
Theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng, đối với đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, đảng bộ ngân hàng thương mại nhà nước là đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, thì xem xét, nghiên cứu có thể thành lập đảng bộ cơ sở cơ quan tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi có từ 30 đảng viên trở lên. Việc lập đảng bộ cơ quan như vậy giúp tinh gọn đầu mối tổ chức đảng, tránh được tình trạng chi bộ trực thuộc (không có con dấu) trực tiếp trực thuộc đảng ủy cấp trên cơ sở. Việc thực hiện nghiệp vụ công tác đảng (như phát triển đảng viên,, công tác kiểm tra, giám sát, quy hoạch, quản lý đảng viên, phân bổ đại biểu dự đại hội …) thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong Đảng bộ Khối với nhiều đảng bộ cơ sở có chi bộ trực thuộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Đảng viên của một số chi bộ là công nhân làm theo dây chuyền, đứng máy đòi hỏi hoạt động sản xuất phải liên tục. Việc thực hiện quy định Đảng bộ cơ sở họp thường lệ mỗi năm hai lần vào dịp đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và tổng kết công tác cuối năm, họp bất thường khi cần còn khó khăn. Nhiều nơi đảng bộ dưới 200 đảng viên nhưng khi tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ phải tổ chức đại hội đại biểu do hoạt động phân tán, địa bàn rộng, đảng viên là người lao động trực tiếp không có điều kiện tham gia, ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền của đảng viên và việc mở rộng dân chủ trong Đảng.
Theo quy định của Trung ương, các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước được lập các tổ chức đảng ở ngoài nước theo hệ thống tổ chức đảng trong nước khi đủ điều kiện. Hiện nay, các đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối có 5 tổ chức cơ sở đảng (2 đảng bộ cơ sở, 3 chi bộ cơ sở), 8 chi bộ trực thuộc và trên 100 đảng viên ở ngoài nước. Việc quản lý tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước, duy trì sinh hoạt, triển khai công tác đảng còn gặp khó khăn do quy định của nước sở tại và các quy định sinh hoạt Đảng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương kiện toàn mô hình tổ chức đảng. Đến nay, mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối ngày càng hoàn thiện, đảm bảo vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả triển khai các mặt công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp.
Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước. Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, tổ chức của các tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước thuộc Đảng bộ Khối đã khẳng định có nhiều đổi mới, đạt chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đánh giá: các doanh nghiệp trong Khối hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu: Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 92,1% (chỉ tiêu là trên 90%); Nộp ngân sách tăng bình quân 5,24%/năm (chỉ tiêu là trên 5%/năm); Lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 10,77%/năm (chỉ tiêu là 8-10%/năm); Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt bình quân 10,58%/năm (chỉ tiêu là trên 9%/năm); Thu nhập của người lao động tăng bình quân 8,83%/năm (chỉ tiêu là trên 5%/năm). Các ngân hàng thương mại: Tổng tài sản tăng 12,13%/năm (chỉ tiêu là tăng trên 10%/năm); Tăng trưởng tín dụng 16,99%/năm (chỉ tiêu là từ 12% - 13%/năm); Lợi nhuận trước thuế tăng 26,11%/năm (chỉ tiêu là trên 5%/năm); Tỷ lệ nợ xấu năm cao nhất là 1,75%, thấp nhất là 0,78% (chỉ tiêu là dưới 3%). Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức như: giá dầu thô, than, khoáng sản giảm mạnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng nhanh, giá bán sản phẩm giảm; thủ tục hành chính còn chồng chéo; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo các doanh nghiệp, ngân hàng khắc phục khó khăn bằng nhiều giải pháp mở rộng thị trường và khách hàng, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng được cải thiện, duy trì sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp, số lượng lao động trong Khối tinh giản nhưng hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đều tăng, thể hiện hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Các tổ chức đảng, cấp ủy đảng trực thuộc nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, của Chính phủ, các bộ, ngành về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Ban hành các nghị quyết, kết luận và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, đã tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người lao động trong đơn vị khi thực hiện đề án tái cơ cấu.
Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp được các cấp ủy đảng chỉ đạo sâu sát, bảo đảm chính sách, việc làm cho người lao động dôi dư, không để thất thoát tài sản của Nhà nước. Sau cổ phần hóa, công tác quản trị doanh nghiệp được cải thiện, công khai, minh bạch hơn; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được nâng lên, trên 90% các doanh nghiệp sau cổ phần hóa kinh doanh có lãi. Quản trị doanh nghiệp có bước đổi mới; hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã thiết lập tương đối đầy đủ hệ thống quản trị, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quy trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư làm cơ sở cho quản lý, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp.
Các ngân hàng trong Khối hoàn thành tốt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2020, đã xử lý, khắc phục đưa nợ xấu về mức dưới 1,5%, thấp hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng mạnh về tổng tài sản, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng; từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động, các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã triển khai áp dụng chuẩn Basel II; tham gia tích cực và hỗ trợ hiệu quả việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong nước, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Những con số trên đã minh chứng rõ và cụ thể vai trò của tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước thuộc Đảng bộ Khối. Qua đó, góp phần tạo lên thành công của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối khi thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước giao, đồng thời xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng thẳng thắn đánh giá: nhiều doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu và đổi mới cơ chế quản trị còn chậm; thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn gặp vướng mắc cả về thể chế và tổ chức thực hiện. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp; tình trạng nợ, thua lỗ, lãng phí còn lớn. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công còn hạn chế.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, khẳng định vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước
Dự báo kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu.
Trước tình hình mới, đây là giai đoạn thời cơ và thách thức đan xen trong quá trình hội nhập, Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đất nước đang mở cửa, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng áp dụng vào sản xuất và đời sống đem lại hiệu quả cao. Các phương tiện phục vụ sự lãnh đạo, quản lý của người lãnh đạo, quản lý ở các nước trên thế giới rất hiện đại và tiện ích. Điều này đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của mình nhằm sử dụng và khai thác triệt để các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại phục vụ sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ nhất, tạo sự thống nhất nhận thức và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy. Bởi muốn thành công trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng khi thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII thì cần phải thống nhất về tư duy, nhận thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Có thống nhất về tư duy mới thống nhất về hành động cách mạng. Đặc biệt là lãnh đạo chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn vốn của Nhà nước; trong lãnh đạo thực hiện công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, phát huy dân chủ cơ sở.
Vị thế của kinh tế nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước đối với xã hội dù được Đảng khẳng định như vậy nhưng cũng đứng trước những khó khăn, thử thách trong nền kinh tế nhiều thành phần. Khi các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật và yêu cầu khắt khe của nền kinh tế hội nhập, cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.
Để tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao nhận thức vị trí, vai trò, ý nghĩa công tác xây dựng Đảng. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp. Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Các cấp ủy đảng phải kiên trì công tác tư tưởng, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, khắc phục căn bản tình trạng hiện nay là một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, coi nhẹ và chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng.
Thứ hai, đổi mới việc ban hành các nghị quyết, kết luận, chỉ thị cụ thể hóa sát với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, lãnh đạo và tổ chức thực hiện có kết quả. Quy trình ban hành các nghị quyết, chỉ thị, các chủ trương chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các khâu, các lĩnh vực một cách đúng đắn và có khả năng thực hiện. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá, có chế tài bảo đảm thực hiện thành công các chủ trương, chính sách. Xây dựng lề lối làm việc phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có giải pháp đồng bộ lãnh đạo thực hiện chế độ dân chủ trong Đảng và trong đơn vị.
Cụ thể rõ sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, đúng chủ trương, định hướng của Đảng, lãnh đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước. Các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp theo pháp luật, có hiệu quả cao, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và doanh nghiệp; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chủ động phòng ngừa tự diễn biến tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước phấn đấu phát huy tốt vai trò lãnh đạo, thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng bộ trong hoạt động, mỗi mắt xích sẽ góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới thực hiện Quyết định 219-QĐ/TW của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với các ban cán sự đảng, bộ, ngành và đảng đoàn các cơ quan Trung ương. Trên cơ sở nội dung Quy chế phối hợp đã ký, Đảng ủy Khối và các ban cán sự đảng bộ, ngành tiếp tục lãnh đạo các đảng ủy, doanh nghiệp trực thuộc Khối thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng Đảng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo công tác công đoàn, đoàn thanh niên được thuận lợi hơn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với các đảng ủy trực thuộc cần ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, điều kiện tham gia tập thể lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể. Việc xây dựng nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy và hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 197-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương.
Thứ tư, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Khối. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lãnh đạo các nội dung hoạt động cụ thể, các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối cần đẩy mạnh công tác kiểm ra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công khai các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Khuyến khích cán bộ, công nhân viên, người lao động giám sát, nhằm góp phần đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục về công tác cán bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thuộc Đảng bộ Khối luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm phù hợp với điều kiện và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Trong đó, nên xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tập trung kiểm tra, giám sát,, chú ý những khâu, lĩnh vực dễ nảy sinh khuyết điểm, vi phạm, như: tổ chức cán bộ, quản lý, sử dụng,, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp, trong cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư dự án, quản lý và sử dụng đất đai và trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước thì việc xây dựng, củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện tiếp tục tái cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!