Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26. Ảnh: TTXVN
Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào thời điểm bước ngoặt về liên kết trong lịch sử 47 năm của ASEAN và cũng là thời điểm ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn về hòa bình và ổn định.
"Những cuộc thảo luận sâu rộng đã cho thấy một điều rõ ràng là ASEAN đã có những bước tiến mạnh mẽ để hướng tới việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay" - Thủ tướng Najib Razak phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 vào tối 27/4 tại đảo Langkawi. Ông cũng nói thêm rằng, các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN đã nhất trí, thể hiện ước nguyện và quyết tâm cao về việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Đây được coi là dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết của ASEAN trong 47 năm qua. ASEAN sẽ từ một tổ chức khu vực quy tụ các nước nhỏ trở thành một Cộng đồng. Nền tảng để 10 nước Đông Nam Á tăng cường đoàn kết, có vai trò đối với các vấn đề quốc tế lớn hơn và hội nhập sâu rộng hơn trong vòng 10 năm tới.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đã nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng, trong đó có các hoạt động mà Việt Nam đã chủ trì thực hiện và chủ động điều chỉnh các quy định trong nước để thực hiện tốt các cam kết trong ASEAN.
Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm cam kết hình thành Cộng đồng, các nước ASEAN chỉ còn hơn nửa năm. Trong khi đó, một số nước lại đang bị chậm tiến độ thực hiện các cam kế ở trên cả ba trụ cột để hình thành Cộng đồng ASEAN là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng, số lượng công việc chỉ còn lại 7% nhưng tương đối phức tạp và mang tính hội nhập cao. Do đó, Thủ tướng đã đề nghị các quốc gia thành viên đề cao trách nhiệm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN để đảm bảo đưa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn vào cuối năm nay.
Một trong những vấn đề lớn của các nước ASEAN đó là việc truyền thông đến người dân về Cộng đồng ASEAN. Do vậy, ngay tại phiên khai mạc, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đưa ra yêu cầu là làm sao để mọi người dân phải cảm thấy chính họ là ASEAN và tương lai của ASEAN chính là tương lai của mỗi người dân. Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong "Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015", các nước cần đặc biệt hướng tới người dân và tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể của tiến trình xây dựng cộng đồng. Cho đến nay, Dự thảo về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 đã đưa ra được các biện pháp cũng như ưu tiên chính và sẽ được trình lãnh đạo cấp cao xem xét, thông qua tại Hội nghị vào tháng 11 tới.
Bên cạnh các nỗ lực để thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN theo đúng lộ trình và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, Malaysia - nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN - và các nước khác đều chia sẻ lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây, nhất là việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói: "Những diễn biến gần đây đã làm gia tăng sự lo ngại về vấn đề Biển Đông và đã cho thấy tầm quan trọng của các tuyến vận tải trên Biển Đông đối với giao thương quốc tế. Bất cứ sự việc gì xảy ra ở đây đều thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Do vậy, ASEAN phải chủ động giải quyết những diễn biến này nhưng phải theo phương pháp xây dựng và tích cực, tôn trọng Luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 phải là nền tảng của các quy tắc về hợp tác và hoạt động trên Biển Đông.
Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Najib Razak - Chủ tịch ASEAN, đồng thời chia sẻ các ý kiến bày tỏ lo ngại về những hoạt động tôn tạo, bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông cũng như những hệ lụy của chúng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN được phát đi tối 27/4 sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN họp phiên bế mạc, hội nghị đã dành hơn 200 chữ để đề cập đến vấn đề Biển Đông. Tuyên bố khẳng định, các nhà lãnh đạo ASEAN đều chia sẻ lo ngại sâu sắc về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông. Những hành động này đang làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Do đó, các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao khẩn cấp xử lý vấn đề này một cách xây dựng thông qua các khuôn khổ của ASEAN như quan hệ ASEAN - Trung Quốc cũng như nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình, đồng thời yêu cầu tăng cường tham vấn hơn nữa để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.