Việt Nam bảo vệ quyền con người - Những giá trị không thể phủ nhận

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/12/2022 10:53 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, với những chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm đảm các quyền con người.

Việt Nam - thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Việt Nam là một trong số ít các nước hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tích cực, chủ động đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trong đó, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam với mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam được tín nhiệm là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Việt Nam bảo vệ quyền con người - Những giá trị không thể phủ nhận - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc

Ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người đã được khẳng định không thể tách rời quyền của dân tộc "Tất cả các dân tộc trên thế giới, đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Từ đó đến nay, quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu".

Các thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Một trong những sự ghi nhận đó là việc ngày 11/10 vừa qua Việt Nam được bầu chọn làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên Hợp Quốc.

Đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, với tinh thần là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng nhân quyền, thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cũng sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các Công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự-chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật...

Con người là trung tâm trong mọi quyết sách

Trong một thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Một trong các chỉ dấu thể hiện rõ nét vấn đề này là chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục tăng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. 30 năm qua, chỉ số phát triển con người liên tục được cải thiện… tăng 40% so với năm đầu tiên tham gia khảo sát. Chỉ số phát triển con người năm 2021 của Việt Nam đạt 0,7; đưa nước ta vào nhóm phát triển con người ở mức cao và xếp thứ 115/191 quốc gia.

Theo báo cáo nghèo đa chiều năm 2021 được công bố vào tháng 7 vừa qua, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020, nhờ vào tăng việc làm năng suất cao, Cải thiện các dịch vụ xã hội, Mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội.

Sau hơn 30 năm tham gia công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư nguồn lực, sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội để bảo vệ, bảo đảm trẻ em có cuộc sống an toàn và phát triển. Tại phiên họp thứ 91 vào tháng 9, Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc CRC đã hoan nghênh thành tựu của Việt Nam trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách bảo vệ quyền trẻ em.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đang ngày càng được bảo đảm tốt hơn đặc biệt là từ sau khi Luật tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ 1/1/2018. Chỉ tính trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng.

Những thành tựu về bảo đảm, bảo vệ quyền con người của Việt Nam là những giá trị không thể phủ nhận, tiếp tục là động lực trong bước đường đi chung của Việt Nam cùng nhân loại bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Việt Nam nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu

Không chỉ đạt được những thành tựu đáng kể về đảm bảo quyền con người ở trong nước, Việt Nam cũng nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu.

Tại phiên họp tháng 7 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã biểu quyết thông qua Nghị quyết do Việt Nam tham gia xây dựng, về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền con người đã và đang được Việt Nam thực hiện bằng nhiều biện pháp, với những nỗ lực để người dân được sống trong một môi trường trong lành.

Hơn 4200 căn nhà an toàn, chịu được bão và lũ lụt đã được xây khắp các tỉnh ven biển trong hơn 3 năm qua. Những căn nhà. Mùa mưa giông ở miền Trung, bất chợt trời tối đen như mực. Nhưng khép lại cánh cửa phía trước giờ là sự bình yên.

Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, trong đó gắn trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong đại dịch COVID-19, điều này càng được thể hiện rõ nét hơn. Mọi người dân đều được tiếp cận với dịch vụ y tế, được tiêm vaccine miễn phí và được điều trị miễn phí. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong bối cảnh bệnh nhân mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới phải tự chi trả mọi chi phí. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) về Phát triển con người toàn cầu 2021-2022, Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển… đã trở thành một định hướng chiến lược, một triết lý hành động xuyên suốt quá trình phát triển của nước.

Từ hơn 7 thập kỷ trước, Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Nhân loại đã đạt được nhiều tiến bộ trên con đường đấu tranh bảo vệ quyền con người, chống lại sự bất công, sợ hãi, đói nghèo cùng cực và coi thường tính mạng con người. Hàng loạt các cuộc đấu tranh chính nghĩa trong các giai đoạn lịch sử của nhân loại bảo vệ giá trị những quyền cơ bản của con người cho các dân tộc, quốc gia trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đặt nền tảng cho sự phát triển của quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, với những chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm các quyền con người được lồng ghép vào mọi chiến lược và chương trình phát triển của đất nước để "không ai bị bỏ lại phía sau". Những thành tựu này được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Bất cứ thế lực thù địch, chống phá nào cũng không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam.

Cùng trao đổi về chủ đề: Những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong chương trình Sự kiện bình luận là PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ Vũ Anh Quang, Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (2018 -2021).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước