Lễ xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tháng 4-2022. Ảnh: TTXVN
45 năm lá Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại LHQ là 45 năm ông John Mcauliff dõi theo. Ông John từng tham gia phong trào phản chiến, sau lại là người bạn thân thiết với Phái đoàn Việt Nam từ những ngày đầu, khi còn phải chịu cấm vận và giới hạn đi lại 25 dặm. Ông cho rằng đây là quyết định rất đúng thời điểm của Việt Nam và của cả Liên Hợp Quốc.
"Việc Việt Nam trở thành thành viên của LHQ khi còn bị cấm vận, là một bước để Hoa Kỳ phải thay đổi trong mối quan hệ này. Thêm vào đó, là thành viên, Việt Nam sẽ tranh thủ được nguồn lực từ Liên Hợp Quốc cho quá trình tái thiết và phát triển kinh tế. Ngược lại, mang Việt Nam tới đây, các cuộc thảo luận ở LHQ có thêm bài học từ chiến tranh, kinh nghiệm quý báu và sống động" - ông John Mcauliff - Giám đốc Quỹ Hoà giải và Phát triển (FRD) nói.
Trong 45 năm qua, Việt Nam 2 lần đảm nhiệm vai trò UVKTT HĐBA. Chúng ta là thành viên của nhiều cơ quan quan trọng như HĐ Nhân quyền, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), UNESCO… Gần đây nhất, Việt Nam là thành viên sáng lập Nhóm bạn bè Công ước luật biển, Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và năm nay là vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ với nhiều thách thức ở phía trước.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc: "Thách thức đầu tiên đó là khối lượng công việc. Đại hội đồng khóa 77 vừa thông qua chương trình nghị sự với 180 đề mục, trải rộng trên tất cả các vấn đề. Thách thức thứ hai là hiện nay cục diện thế giới, quan hệ giữa các quốc gia có xung đột về lợi ích. Chính vì vậy, làm sao để dung hòa lợi ích này, làm sao để các nước cùng ngồi lại với nhau, đạt được đồng thuận. Tuy nhiên cũng có những thuận lợi lớn. Trước tiên, nguyện vọng các quốc gia vẫn là hòa bình, ổn định và phát triển. Thuận lợi thứ hai là Việt Nam đã từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong các cơ chế của LHQ và đã đạt được sự tin cậy, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Từ một nước vừa giải phóng, nhận viện trợ phát triển của LHQ, Việt Nam trở thành thành viên đóng góp ngày càng nhiều vào công việc chung của cơ quan này. Từ công việc tại Trụ sở LHQ cho tới lực lượng gìn giữ hòa bình ở các phái bộ. Đây được cho là điển hình trong mối quan hệ giữa một quốc gia với LHQ nói chung, các tổ chức phát triển của LHQ nói riêng.
Theo bà Kanni Wignaraja - Giám đốc Khu vực châu Á - TBD, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP): "Đó là một mối quan hệ, theo tôi, là quý giá nhất giữa một quốc gia với UNDP. Chủ yếu bởi chúng ta cùng lớn mạnh và học hỏi lẫn nhau. Chúng ta có lòng tin và sự tôn trọng lớn dành cho nhau. Khi Việt Nam lớn mạnh và sớm trở thành quốc gia có trình độ phát triển con người cao, UNDP luôn sát cánh".
45 năm là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thực chất, bền chặt giữa Việt Nam và LHQ. Mối quan hệ ấy càng có ý nghĩa to lớn khi bắt đầu từ khi Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh đến hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hôm nay. Còn với LHQ, thì Việt Nam đang được coi là một trong những thành viên không thể thiếu khi đảm nhiệm nhiều vai trò xuất sắc, là cầu nối và là một ví dụ điển hiền để nhiều quốc gia có thể soi chiếu.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022), hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Trong bức điện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với công cuộc phát triển của Việt Nam trong 45 năm qua, nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc, phát huy vai trò đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung vì hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới và ở mỗi quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!