Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Quang Anh-Thứ tư, ngày 12/10/2022 20:09 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là sự phản ánh trung thực nhất về kết quả của những nỗ lực, cam kết của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Tối 11/10 (theo giờ Việt Nam), tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 tại New York (Mỹ), Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên Hợp Quốc, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; việc bảo đảm quyền con người luôn được là một trong những ưu tiên hàng đầu. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau giữa các quốc gia về khái niệm quyền con người, thế nhưng, việc Việt Nam quay lại Hội đồng Nhân quyền đã cho thấy, Việt Nam đã đảm bảo thúc đẩy quyền con người trên cơ sở tôn trọng các giá trị phổ quát chung của nhân loại.

Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc bởi năm 2013, Việt Nam đã trúng cử vào cơ chế này. Thế nhưng, xét trong bối cảnh có nhiều khó khăn như số lượng ứng cử viên quá đông, Việt Nam là nước tham gia ứng cử muộn nhất, hay hai năm đại dịch COVID-19 khiến việc điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ bị hạn chế rất nhiều thì có thể khẳng định, đây là một điều hết sức có ý nghĩa. Đó là bất chấp một vài bản báo cáo chứa những thông tin sai lệch, thiếu trung thực, thậm chí là cả những luận điệu xuyên tạc, vu cáo về tình hình thực hiện quyền con người của Việt Nam thì cộng đồng quốc tế hiểu và trân trọng những gì Việt Nam đã làm những năm qua để bảo đảm quyền con người ở trong nước, cũng như đóng góp vào nỗ lực chung để thúc đẩy các quyền này trên phạm vi toàn cầu.

Những thành tựu rõ rệt và kinh nghiệm mà Việt Nam có được chính là cơ sở khiến nhiều chuyên gia tin rằng Việt Nam - với tư cách là thành viên Hội đồng nhân quyền - sẽ tiếp tục có những đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở khu vực và quốc tế.

Việt Nam cùng 13 thành viên mới đắc cử sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1/2023. Với tinh thần đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm - Việt Nam đã sẵn sàng để thực hiện các trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các Công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật".

Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam, thành viên của Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, vì mục tiêu không ai bị bỏ lại ở phía sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước