WEF Đông Á: Chú trọng an ninh lương thực

Anh Phương (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ ba, ngày 21/04/2015 22:03 GMT+7

VTV.vn - "Thiết lập chương trình nghị sự để đảm bảo an ninh lương thực" là chủ đề đã được đề cập đến trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á sáng nay (21/4).

An ninh lương thực đang được xem là yếu tố tối quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho thế giới, nhưng những thách thức là không nhỏ. Phiên thảo luận sáng nay đã cố gắng tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải đáp những câu hỏi khó trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, từ việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện nông nghiệp nông thôn cho tới việc làm cách nào để đảm bảo sinh kế cho người dân, không còn tình trạng được mùa mất giá. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên thảo luận sáng nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là diễn giả đầu tiên trong phiên thảo luận về an ninh lương thực cho thấy Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ diễn đàn về chủ đề này. Các đại biểu đã nhắc đến sự thành công của Việt Nam, từ một nước nghèo, thiếu lương thực trở thành một nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, như là một hình mẫu cần tham khảo học tập.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản với tổng kim ngạch gần 31 tỷ USD. Có được kết quả này, Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhiều cải cách trong nông nghiệp như thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân hay điều kiện để hàng hóa nông sản ra các thị trường quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Làm cách nào để người nông dân có thể làm giàu từ nông sản của mình, xem đó là yếu tố then chốt để hướng tới an ninh lương thực bền vững. Đó là lý do các diễn giả trong phiên thảo luận đã nhấn mạnh tới việc các nước cần liên kết để đảm bảo giá cả cho nông sản. Nói cách khác, chính phủ cần đóng vai trò là người bảo vệ, thông qua sự liên kết ở tầm chính phủ, tránh tình trạng người nông dân bị ép giá. Tại diễn đàn, Thủ tướng Campuchia Hunsen đã nhắc tới một hiệp hội của các nước xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Campuchia Hunsen cho rằng: "Chúng ta không muốn thành lập hiệp hội này để tăng giá gạo. Nhưng như OPEC chẳng hạn, khi nào giá dầu giảm thì hiệp hội phối hợp với nhau để tăng giá lên".

Hai ngày của diễn đàn có thể được xem chỉ là những bước đi nhỏ nhằm đưa đến một nền kinh tế tăng trưởng ổn định hơn cũng như an ninh lương thực bền vững hơn cho khu vực Đông Á. Thực tế cho thấy, khi những sáng kiến gặp nhau và kết hợp với nhau và bổ khuyết cho nhau, người ta sẽ có thể tìm ra những ý tưởng lớn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á đang trở thành nơi để mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân đóng góp những sáng kiến và bài học kinh nghiệm của giúp đỡ cho quá trình phát triển của nhau và của cả thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước