Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Xây dựng trường quay gắn với du lịch bằng ngân sách nhà nước có khả thi?

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 25/05/2022 17:19 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc xây dựng trường quay gắn với du lịch bằng ngân sách nhà nước do chi phi đầu tư lớn, năng lực khai thác còn yếu.

Nhiều ý kiến về quy định việc Nhà nước đầu tư xây dựng trường quay hiện đại

Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm liên quan quy định nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại ở Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự án Luật, trước một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, xây dựng trường quay hiện đại có vai trò, ý nghĩa quan trọng nhưng cần kinh phí lớn, trong tình hình hiện nay rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội. Quy định như dự thảo Luật cho phép trong từng trường hợp cụ thể Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng trường quay gắn với du lịch, giải trí. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng trường quay là chính sách chung được Nhà nước khuyến khích thực hiện.

Xây dựng trường quay gắn với du lịch bằng ngân sách nhà nước có khả thi? - Ảnh 1.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chưa thu hút được nguồn vốn xã hội thì nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay gắn với du lịch, giải trí. Tuy nhiên, cần có quy định đảm bảo xây dựng trường quay hiện đại bằng ngân sách nhà nước đúng với mục đích phát triển điện ảnh.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) lại có ý kiến băn khoăn việc xây trường quay bằng ngân sách nhà nước: "Theo dự thảo Luật, nhà nước đầu tư là chính nên phải đầu tư rất lớn, phải có quy hoạch, thiết kế, dự an bài bản công phu và đặc biệt quản lý khai thác sau khi đầu tư. Nếu trường quay đó đầu tư từ ngân sách, tài sản hình thành là tài sản công phải sử dụng theo quy định của pháp luật, hình thành bộ máy quản lý, con người, chi phí duy trì bộ máy, bảo dưỡng, phát triển".

"Trên thực tế cho thấy điều này rất khó khả thi. Ngân sách nhà nước hạn hẹp. Trình tự đầu tư công rất phức tạp, còn nhiều vướng mắc. Năng lực quản lý khai thác, vận hành còn yếu, thiếu chuyện nghiệp" - Đại biểu Trần Văn Khải cho biết.

ĐBQH tỉnh Hà Nam lấy ví dụ về phim trường lớn nhất thế giới Hoành Điếm ở Trung Quốc rộng 32km2, ước tính chi phí 5 tỷ USD do tư nhân xây dựng. Đây là bối cảnh quay hơn 4.000 phim truyền hình như Anh Hùng Xạ Điêu, Hoàng Kim Giáp, Họa Bì... Nhờ phim trường này, khu vực từ một vùng nông thôn nghèo trở thành địa điểm du lịch. Phim trường không thu tiền làm phim nhưng cho thuê trang phục, đạo cụ, khách du lịch trả vé.

Từ đó, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất tạo cơ chế đầu tư, xây dựng trường quay điện ảnh kết hợp du lịch văn hóa, không dùng ngân sách nhà nước.

Cần kiểm duyệt bình đẳng, thúc đẩy nền điện ảnh quốc gia

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị việc kiểm duyệt, phân loại cần bình đẳng giữa điện ảnh trong nước và nước ngoài ở Việt Nam. Nếu tiền kiểm thì cùng tiền kiểm, hậu kiểm thi cùng hậu kiểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra tình trạng, các quốc gia phát triển đang sử dụng điện ảnh để thâm nhập các nước khác, xâm chiếm thị trường điện ảnh, chưa kể sử dụng điện ảnh mục đích chính trị. Một số sản phẩm mang tinh khiêu dâm, xâm phạm chủ quyền. ĐBQH cũng nói về xu hướng bắt chước, sùng bái quá độ văn hóa nước ngoài, đẩy lùi văn hóa Việt Nam trên sân nhà.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Luật Điện ảnh cần tạo điều kiện thúc đẩy nền điện ảnh quốc gia, bảo vệ truyền thống dân tộc. Cần có biện pháp bảo hộ, bảo vệ điện ảnh trong nước để trở thành ngành kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý hội nhập với văn hóa thế giới, đồng thời ngăn chặn kịp thời và hiệu quả sản phẩm trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, vi phạm an ninh chủ quyền Việt Nam.

Xây dựng trường quay gắn với du lịch bằng ngân sách nhà nước có khả thi? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: TTXVN

Các biện pháp kiểm duyệt, phân loại cần bình đẳng giữa điện ảnh trong nước và nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có nền tảng OTT cung cấp điện ảnh xuyên biên giới qua các mạng xã hội cần biện pháp phù hợp.

Đối với các dự án quay phim ở Việt Nam cần nộp toàn bộ kịch bản chi tiết bằng ngôn ngữ gốc và bằng tiếng Việt. Có biện pháp thu thuế, phí với nền tảng OTT xuyên biên giới nếu có doanh thu trong nước. Có chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực tư nhân, xã hội để cùng nhà nước bảo hộ sản phẩm trong nước, xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.

"Hàng hóa vật chất như thực phẩm, thuốc men đi vào cơ thể còn sản phẩm điện ảnh, âm nhạc đi vào tâm hồn tình cảm ý thức con người. Cái hại về tâm hồn, tình cảm có hại lâu dài không kém, thậm chí hơn cả thể chất. Giới trẻ cần biết chọn lọc, tiếp thu hàng tốt, loại trừ hàng xấu, duy trì sự yêu thích với các sản phẩm văn hóa Việt Nam. Nếu điện ảnh Việt Nam không đủ lực lượng, điều kiện để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường, luật điện ảnh cần tạo hành lang, môi trường bình đẳng giữa điện ảnh việt nam và các nền tảng xuyên biên giới" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước