Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay chính là để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các luật, nghị quyết.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị sẽ tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; viễn thông; các tổ chức tín dụng; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; tài nguyên nước; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn...nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn.
9 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV gồm:
- Luật Căn cước
- Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
- Luật Đất đai
- Luật Nhà ở
- Luật Kinh doanh bất động sản
- Luật Tài nguyên nước
- Luật Viễn thông
- Luật Các tổ chức tín dụng
"Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới" - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết
Khái quát những nội dung mới, nổi bật của 9 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các luật đã được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt, đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý nhà nước, thể hiện rất cụ thể trong nhiều quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 và các luật khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Các luật đã được Quốc hội thông qua đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, trong đó làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của trung ương, thực hiện việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng gắn với đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì cũng như có các cơ chế phù hợp giữa các cơ quan chuyên môn có liên quan kiểm soát, giám sát cụ thể, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu tổng hợp thống nhất, kết nối, chia sẻ.
Về yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu triển khai các luật, nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Quốc hội, UBTVQH tổ chức thực hiện các nội dung quy định trong luật, nghị quyết theo thẩm quyền; UBTVQH ban hành văn bản hoặc cho ý kiến đối với văn bản của Chính phủ quy định nội dung luật, nghị quyết giao trong trường hợp luật, nghị quyết quy định phải xin ý kiến UBTVQH trước khi ban hành.
UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những nơi làm tốt, kiểm điểm, phê bình những cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao và có biện pháp chấn chỉnh.
Đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống
Báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã thông qua 49 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, dự thảo nghị quyết, ban hành 93 nghị định, 1 nghị quyết liên tịch; Thủ tướng Chính phủ ban hành 33 quyết định quy phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tập trung đề xuất giải quyết các vấn đề khó, phức tạp.
Về công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.
Đối với công tác phổ biến các luật, nghị quyết mới được ban hành, sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, việc phổ biến luật, nghị quyết đã được thực hiện.
Trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Phó Thủ tướng cho biết, qua theo dõi, thống kê cho thấy đã có một số lượng lớn tin, bài đăng tải thông tin liên quan đến các Luật và Nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành. Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành. Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời.
Nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật cũng còn nhiều hạn chế: cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện trong công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp như: Ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn của bộ, sở, ngành địa phương được giao tham mưu tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông, Luật Căn cước…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!