Ngày 8/9, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vì đã vi phạm quy định về kê khai tài sản. Quyết định này thể hiện sự nghiêm minh của Đảng đối với cán bộ sai phạm đồng thời thêm một lần nữa cảnh báo về sự nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là các cán bộ cấp cao trong thực hiện các quy định của Đảng.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Lê Đức Thọ không chỉ vi phạm quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập mà còn giải trình nguồn gốc tài sản không trung thực. Vi phạm mang tính hệ thống kéo dài trong nhiều năm gây hậu quả rất nghiêm trọng. Đáng nói, trường hợp của ông Thọ hiện không phải là cá biệt.
Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp nhận 1.702 bản kê khai tài sản thu nhập của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Qua kiểm tra 50 trường hợp đã phát hiện 5 trường hợp có vi phạm phải thi hành kỷ luật. Còn theo báo cáo của Chính phủ, từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2023, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Điều đó một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về tính trung thực.
Hiện các cơ quan đang tổng kết 10 năm thực hiện quy định về kê khai tài sản. Việc xây dựng dữ liệu về tài sản và kiểm soát thu nhập của người có chức vụ cũng đang được tích cực triển khai. Các quy định sẽ ngày càng chặt chẽ nhưng để chủ trương kê khai tài sản của cán bộ được thực hiện hiệu quả, tất cả những trường hợp vi phạm, nhất là đối với cán bộ cấp cao luôn cần phải được xử lý nghiêm để làm gương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!