Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực khắc phục những hạn chế của công tác giảm nghèo để đảm bảo hiệu quả hoạt động. (Ảnh: VGP)
Ngày 16/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững chủ trì cuộc họp thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Đánh giá về kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hệ thống chính sách giảm nghèo đã dần được hoàn thiện, đảm bảo cho việc thực thi trên thực tiễn cũng như trong giai đoạn tiếp theo. Ban Chỉ đạo cũng thường xuyên cập nhật các chỉ đạo, chỉ tiêu của Trung ương Đảng, Quốc hội vào các văn bản điều hành.
Trong năm 2014, việc Chính phủ điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực này để không chỉ thực hiện chính sách cho hộ nghèo mà còn hướng tới giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững và coi đây là bước đi sát với thực tiễn, đúng hướng.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2014 còn khoảng 5,8 - 6%, giảm được 1,8 - 2% so với năm 2013. Riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm còn 33,2%, đảm bảo kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều trở ngại là giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn diễn ra ở một số vùng, cơ chế chính sách còn một số nội dung chồng chéo, trùng lắp và khó thực hiện.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực khắc phục những hạn chế của công tác giảm nghèo để đảm bảo hiệu quả hoạt động, giữ tốc độ giảm nghèo của cả nước năm 2015 là 2%, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.
“Trong định hướng lại chính sách giảm nghèo, các Bộ, ngành phải ưu tiên tập trung cao độ cả về chính sách và nguồn lực cho những vùng trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo cao, hướng theo việc giảm nghèo đa chiều, bền vững, dựa vào hỗ trợ của cộng đồng, xã hội”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý: có thể thiết kế chính sách cho vay không cần lãi suất sẽ tốt hơn việc “cho không” hoặc là lãi suất rất “nhẹ”, thời gian vay dài hơi hơn để tạo động lực cho người nghèo phát triển sản xuất.
Trước những đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ LĐTB&XH, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH chủ trì việc xây dựng dựa trên Nghị quyết của Trung ương Đảng và Quốc hội, đồng thời tiến hành xác định chuẩn nghèo mới trong năm nay.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, chuẩn nghèo mới sẽ tiếp cận dần chuẩn nghèo của quốc tế. Hiện, Việt Nam mới có chuẩn nghèo về thu nhập (thu nhập của người dân ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng, ở thành phố là 500.000 đồng/người/tháng). Chuẩn nghèo mới sẽ phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người dân.
Theo đó, chuẩn mức sống tối thiểu là nhu cầu tối thiểu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và nhu cầu phi lương thực, thực phẩm. Bên cạnh việc tiếp cận chuẩn nghèo theo các tiêu chí tiếp cận thông tin, y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống thì Bộ LĐTB&XH đề xuất thu nhập vẫn chiếm tỷ lệ đánh giá cao nhất (70%) so với các tiêu chí nói trên.
Bộ LĐTB&XH dự kiến chuẩn mức sống tối thiểu vào năm 2016 của hộ nghèo ở thành phố có mức thu nhập là 1,3 triệu đồng/người/tháng và hộ ở nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.