Những đợt cháy rừng tàn phá khủng khiếp tại lá phổi xanh Amazon, Indonesia, hay Australia đều được cho là nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Ít nhất 74.000 vụ cháy rừng đã xảy ra tại Brazil chỉ trong 8 tháng đầu năm, con số cao kỷ lục kể từ năm 2013.
Hơn một nửa trong số này lan rộng ở khu rừng nhiệt đới Amazon đã phát đi tín hiệu cảnh báo nguy cấp, là bằng chứng rõ ràng nhất về sức tàn phá do hoạt động của con người gây ra đối với thiên nhiên bằng cách đốt rừng lấy đất chăn thả bò, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt trên bò trên thế giới.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các đám cháy rừng Amazon làm băng tan nhanh hơn, hấp thụ nhiều nhiệt lượng hơn. Còn trong giai đoạn nắng nóng kỷ lục hồi tháng 7 vừa qua ở châu Âu, băng tại Greenland đã tan nhanh kỷ lục, mất gần 200 tỷ tấn băng chỉ trong 1 tháng.
Bão Dorian tàn phá tại Bahamas. (Ảnh: AP)
2019 cũng là năm bão lũ hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, siêu bão Dorian hồi tháng 9 đã tấn công quần đảo Bahamas, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, 250 người khác mất tích, tàn phá hàng nghìn nhà cửa và cơ sở sản xuất. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử trên biển Caribe và là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong lịch sử quần đảo này.
Trong báo cáo mới công bố, quỹ Christian Aid cảnh báo, diễn biến khí hậu sẽ ngày càng cực đoan hơn nếu thế giới không hành động. Năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm của sự thay đổi, của hành động thực chất vì khí hậu trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!