Trường học thông minh sẽ áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy, giúp bài học trở nên sinh động hơn, học sinh cảm thấy hứng thú hơn, còn thầy cô giáo cũng được thỏa sức đổi mới sáng tạo.
Ghi nhận một buổi học Ngữ Văn trong phòng thư viện điện tử tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, các nhóm thảo luận, trình bày dự án về chính ngôi trường mình đang theo học rất sôi nổi. Mọi dữ liệu được cập nhật thông qua cổng thông tin của thư viện.
Một lớp học khác chia nhóm luyện kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Học thông qua dự án trong một không gian mở, thiết bị hiện đại, học sinh rất hào hứng.
Ngoài việc tìm sách để đọc, các em học sinh có thể tìm bài học, bài giảng của thầy cô giáo ngay trên thư viện điện tử. Để có những bài học như thế này, thầy cô sẽ cập nhật, đưa các bài giảng lên hệ thống học liệu điện tử.
Từ bất cứ nơi đâu, học sinh cũng có thể truy cập từ các thiết bị điện tử để tham gia học tập. Học trò có thể tham gia hoàn thiện, bổ sung, phản hồi từ bài giảng của thầy cô trên kho học liệu điện tử. Ngoài ra sắp tới, thầy trò sẽ được học và làm việc với công nghệ thực tế ảo.
Sau 5 trường học đầu tiên, TP.HCM sẽ nhân rộng mô hình này. Với các trường ở vùng sâu vùng xa, TP.HCM sẽ hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Với các trường trong khu vực có ưu thế, thành phố sẽ sử dụng nguồn lực xã hội hóa, hướng đến mở rộng các trường học thông minh trên khắp địa bàn thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!