Bằng việc hiến thận cho mẹ, con trai của Aisha đã giúp bà thoát khỏi những tháng ngày đau đớn trong viện. "Ca phẫu thuật đã thay đổi cuộc sống của tôi. Trước kia, mọi sinh hoạt của tôi rất khó khăn khi gần như tôi phải ở trong viện để chạy thận. Tôi không thể làm được việc nhà, đỡ đần chồng con", bà Aisha chia sẻ.
Bà Aisha chỉ là số ít người may mắn tại Algeria. Tại quốc gia này có khoảng 22.000 người cần tới các cuộc phẫu thuật ghép thận nhưng số người có thể hiến thận lại rất nhỏ. Nguyên nhân vì luật pháp tại đây chỉ cho phép người sống hiến tạng cho người thân trong gia đình, còn người đã mất nếu muốn hiến tạng lại phải có sự đồng ý của gia đình.
Ông Ahmed Bougroura - Bác sĩ khoa Tiết niệu Bệnh viện Batna nói: "Khó khăn nhất với chúng tôi là dù người đã mất chấp nhận hiến tạng nhưng gia đình họ không đồng ý sẽ không thể thực hiện".
Một phần rào cản từ gia đình cho việc hiến tạng tại Algeria là do những định kiến xã hội. "Theo quan niệm của nhiều gia đình, chúa trời đã tạo ra con người với những bộ phận cơ thể chuẩn mực nhất. Họ không muốn lấy mất đi một bộ phận nào của cơ thể người thân dù là đã qua đời", ông Kamel Chekkat - Nhà nghiên cứu tôn giáo nói.
Chính những định kiến và nhiều điểm chưa hợp lý của Luật Hiến tạng tại Algeria đã khiến cho hàng chục nghìn bệnh nhân tại nước này hàng ngày vẫn thoi thóp chờ tia sáng được phẫu thuật cứu sống tính mạng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!