Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình đã điều tra khám phá vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn, bắt giữ được 6 đối tượng liên quan. Đáng chú ý, trong số này có 2 bị can là Nguyễn Xuân Đường biệt danh "Đường Nhuệ" và vợ là Nguyễn Thị Dương. Sau khi vụ án được cơ quan điều tra khám phá, đã có hàng loạt tố cáo và phản ánh về việc băng nhóm xã hội đen do người này cầm đầu.
Theo phản ánh, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ hỏa táng, nhưng phải thực hiện một quy định bất thành văn là hàng tháng đóng tiền cho nhóm của Đường "Nhuệ". Số tiền này được tính dựa trên mỗi đầu ca hỏa táng.
Một người dân cho biết, sau mỗi ca hỏa táng, 500.000 đồng là số tiền họ phải nộp cho ổ nhóm bảo kê hoạt động dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Việc thu tiền diễn ra từ đầu năm 2018, kể từ khi Hiệp hội tang lễ Thái Bình thành lập do ông Đường điều hành, quản lý.
Biết là vô lý, nhưng vì lo sợ không được yên ổn làm ăn nên hàng chục đơn vị làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn đều thực hiện việc nộp tiền vào ngày mùng 5 và 20 hàng tháng.
Để không bỏ sót một ca hỏa táng nào, việc nhắn tin thông báo đến một số điện thoại là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị dịch vụ tang lễ, sau khi nhận hỏa táng cho người đã mất.
Theo người này, dù danh nghĩa là tiền tự nguyện nộp để từ thiện nhưng nếu đơn vị nào không thực hiện việc báo ca, tự ý đi hỏa táng thì lập tức sẽ bị nhóm côn đồ chặn xe đe dọa, hoặc phạt số tiền lên đến vài triệu đồng, thậm chí có thể không được tiếp tục làm ăn.
Một người dân khác cho biết, bản thân đã trực tiếp từng có khoảng thời gian cầm máy báo ca và thu tiền từ các dịch vụ tang lễ rồi nộp lại cho ông Đường.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình chưa có cơ sở hỏa táng, nên nhiều năm nay, việc hỏa táng của địa phương này gần như đều được thực hiện tại Đài hóa thân Thanh Bình, ở Nam Định.
Vậy nhưng, theo tố cáo của người điều hành cơ sở hỏa táng này, liên tiếp 3 tháng đầu năm 2017, các đơn vị làm dịch vụ tang lễ ở Thái Bình đều bị cản trở. Nguyên nhân được xác định là do Đài hóa thân Thanh Bình không đồng ý ký hợp đồng hỏa táng với công ty Dương Đường, do ông Đường đứng đầu.
Trong khoảng thời gian đó, theo ông Giao (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long), gần như toàn bộ các dịch vụ tang lễ ở Thái Bình đều phải đưa người mất sang Hải Phòng để hỏa táng, chấp nhận chi phí hỏa táng cao hơn và mất nhiều thời gian hơn vì phải di chuyển quãng đường xa hơn. Cực chẳng đã, để tránh rắc rối, nhiều gia đình đành phải chuyển sang mai táng thay vì hỏa táng như dự định ban đầu.
Theo con số thống kê của Đài hóa thân Thanh Bình, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 300 - 400 ca hỏa táng từ tỉnh Thái Bình. Như vậy, số tiền tương ứng mà ổ nhóm bảo kê hoạt động hỏa táng thu được mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số cơ sở làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn, dù không muốn nhưng để bù lại số tiền phải nộp, mỗi ca hỏa táng họ phải nâng giá thêm 500.000 đồng. Thực chất, khoản tiền ổ nhóm bảo kê vẫn gọi là "tiền tự nguyện từ thiện" là số tiền được tận thu trên lưng các gia đình có người mất phải chịu. Còn số tiền này có được ông Đường sử dụng vào mục đích từ thiện hay không thì không được công khai và cũng không ai được biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!