Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp tục thì chỉ vài năm tới, những tác phẩm truyện tranh sẽ không còn được sáng tác và khi đó độc giả sẽ trở thành nạn nhân của chính mình.
Để có được một bộ truyện tranh xuất bản tại Việt Nam, các nhà xuất bản đã phải trải qua một trình tự khá phức tạp: tìm nguồn bản thảo; khai thác thẩm định nội dung; giao dịch bản quyền, trao đổi hợp đồng, điều khoản; đảm bảo tinh thần truyện gốc; có kế hoạch truyền thông; số lượng dự báo sẽ phát hành…
Thế nhưng trước khi đến được với tay bạn đọc, những tập truyện đã được đăng đầy đủ lên những trang web lậu. Vì vậy, có những đầu truyện rất hay và nổi tiếng, được nhiều độc giả quan tâm, nhưng các NXB lại lưỡng lự không nhập về.
Không chỉ thiệt hại tới NXB, các tác giả của các bộ truyện cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt với các tác giả truyện tranh Việt Nam. Nổi tiếng với Long Thần tướng, Sát thủ đầu mưng mủ…, họa sĩ Thanh Phong cho biết các tác phẩm của anh đều được đăng ký bảo hộ quyền tác giả thông qua luật sư. Tuy nhiên, truyện của anh vẫn bị xâm phạm bản quyền.
Không chỉ phát tán các bản in trên mạng, nạn in lậu, in nhái cũng khiến các NXB đau đầu. NXB Kim Đồng từng phát hiện 2 tựa truyện tranh của mình là: Doraemon, Thám từ lừng danh Conan bị in lậu dưới cái tên Mèo máy thông minh và Siêu thám tử do NXB Đà Nẵng in ấn. Thậm chí, trên bìa cuốn sách vẫn còn chữ tẩy xóa tựa đề của cuốn sách gốc.
Không chỉ tại Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác, nạn vi phạm bản quyền truyện tranh cũng rất đáng báo động. 12% người Nhật thừa nhận thường xuyên truy cập các trang mạng không có bản quyền để truyện tranh và có tới 50% người Mỹ thừa nhận họ chỉ sử dụng các nguồn không có bản quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!