Tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách học bổng tại các trường dân tộc nội trú là cách để các em học sinh nơi đây có được niềm hạnh phúc đến trường. Thế nhưng đó đã là câu chuyện của 10 năm về trước. Ngày nay, với sự thay đổi của đời sống xã hội, chế độ học bổng này đã không còn phù hợp. Vòng xoáy luẩn quẩn của cái ăn, cái mặc, của hoàn cảnh khó khăn lại quay về và cướp đi ước mơ tới trường của các em.
Từng mong muốn sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng, nhưng đã 3 năm nay, Ánh (Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu) buộc phải gác lại ước mơ của mình để theo phụ hồ với các tốp thợ khắp các bản làng vùng biên.
May mắn hơn Ánh, nhiều học sinh dân tộc thiểu số khác vẫn bền bỉ theo học, được lên đến cấp Trung học phổ thông. Thế nhưng hành trình chạm đến ước mơ của các em vẫn còn nhiều chông gai khi tình huống buộc phải thôi học vì hoàn cảnh khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhất là khi các em đều có thể trở thành lao động chính trong gia đình.
Được hưởng 80% lương cơ bản, mức học bổng 10 năm trước từng khiến bà con dân tộc thiểu số yên tâm gửi con về trường thì nay lại đang quá thấp so với nhu cầu. Những khó khăn từ thực tế này đã làm nóng diễn đàn Hội nghị tổng kết 10 năm mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú mới diễn ra.
Theo chế độ học bổng hiện nay, nếu được hưởng 80% mức lương tối thiểu thì các em học sinh sẽ được hưởng 1.112.000 đồng/tháng (tính ra 1 bữa ăn sẽ tương đương với 12.000 đồng, chưa bao gồm các chi phí khác). Rõ ràng, chính sách cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú được ban hành từ năm 2009 đến nay đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Bất cập này không chỉ gây khó cho học sinh mà còn đẩy các trường vào thế loay hoay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!