Chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải - Liệu đã sẵn sàng?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 23/04/2019 13:49 GMT+7

VTV.vn - Việc chuyển đổi các mẫu xe thu gom rác đã và đang gặp phải nhiều phản ứng từ những đơn vị thu gom không chỉ bởi vấn đề giá cả mà còn là sự bất cập khi đưa vào sử dụng.

Bất cập chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM yêu cầu, đến tháng 10/2019, các lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn phải chuyển đổi toàn bộ phương tiện thu gom, vận chuyển rác. Điều này đã khiến cho hàng ngàn người thu gom rác tại TP.HCM lo lắng bởi với mức thu nhập từ việc thu gom rác, người công nhân không thể xoay sở để mua một chiếc xe chở rác.

Theo chủ trương, để thực hiện việc chuyên đổi này, các hợp tác xã (HTX) thu gom rác sẽ được vay vốn trả góp 70% giá trị chiếc xe, 30% còn lại lấy từ quỹ của HTX. Tuy nhiên, những HTX mới thành lập thì không đủ nguồn quỹ để ứng ra mua xe. Ngay cả những HTX đã hoạt động lâu năm như HTX Đoàn Kết cũng không đủ khả năng huy động nguồn vốn ngay lập tức.

Nhưng đấy là câu chuyện của các HTX, những tổ chức đã có pháp nhân để hỗ trợ vay vốn. Còn đối với các nghiệp đoàn, tổ rác dân lập thì vướng mắc còn rất nhiều bởi lộ trình đi lên HTX vẫn còn chưa thống nhất ở một số quận huyện, trong khi thời gian chuyển đổi chỉ còn vài tháng.

Hiện nay, các HTX và các nghiệp đoàn, tổ rác dân lập còn đang rất lúng túng vì không biết sẽ xoay sở như thế nào để có số tiền lớn mua xe trước thời hạn tháng 10 tới đây.

Chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải - Liệu đã sẵn sàng? - Ảnh 1.

Cơ chế nguồn thu của các đơn vị thu gom rác

Hiện nay, TP.HCM có 12 HTX, 2 nghiệp đoàn và hơn 2.200 Tổ lấy rác dân lập với khoảng 4.000 công nhân. Những đơn vị này đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Đối với các HTX, các xã viên sẽ trích lại 10% nguồn thu cho quỹ của HTX để duy trì hoạt động. Với đơn giá thu gom rác hiện nay, phổ biến từ 15.000 - 30.000 đồng/ tháng, 1 HTX có hơn 100 xã viên sẽ có nguồn thu cho quỹ khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do thu nhập của các xã viên quá thấp, dao động từ 3-4 triệu đồng nên nhiều HTX chỉ trích lại khoảng 4-5%, nghĩa là mỗi tháng chỉ có khoảng 4-5 triệu đồng. Nguồn thu này chỉ đủ để duy trì hoạt động của HTX.

Đối với các nghiệp đoàn và các tổ rác dân lập thì không có quỹ hoạt động vì không có cơ chế để trích lại tiền của người thu gom rác. Với cơ chế hoạt động như vậy, việc phải bỏ ra 30% số tiền mua xe, với mỗi xe sẽ tương ứng 120 triệu đồng nhân với hàng chục chiếc xe thì số tiền bỏ ra lên đến hàng tỷ đồng. Đây là con số vượt quá xa so với thu nhập vài triệu đồng một tháng với các HTX,  chưa kể số tiền phải trả lãi hàng tháng. Trong khi đó, hạn phải chuyển đổi phương tiện còn 6 tháng để cho các đơn vị này xoay sở.

Chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải - Liệu đã sẵn sàng? - Ảnh 2.

Trao đổi về câu chuyện chuyển đổi phương tiện thu gom, hầu hết các đơn vị thu gom rác dân lập cho biết họ chưa sẵn sàng bởi mọi thứ quá cập rập. Theo Sở TN&MT, hầu hết các phương tiện thô sơ đang được sử dụng đều không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về luật giao thông cũng như không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Về vấn đề nguồn vốn, Sở TN&MT cho biết, nghiên cứu để hỗ trợ tối đa có thể cho các đơn vị. Tuy nhiên, với lượng phương tiện cần chuyển đổi quá nhiều, nhiều đơn vị để xuất cải tiến lại phương tiện hiện có để đảm bảo vệ sinh môi trường hơn.

Sở TN&MT cũng cho biết, việc TP điều chỉnh giá thu gom rác trong thời gian qua cũng là cơ sở để các đơn vị có thêm nguồn vốn dự phòng có thể sử dụng cho việc chuyển đổi. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị thu gom rác khẳng định họ vẫn đang thu phí theo đơn giá cũ.

Chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải - Liệu đã sẵn sàng? - Ảnh 3.

Chuyển đổi phương tiện thu gom rác - Nỗi lo của người trong cuộc

Trong khi các đơn vị thu gom rác dân lập đang đau đầu để tìm hướng ra cho việc chuyển đổi phương tiện thì với những người thu gom rác, việc chuyển đổi này giống như việc lấy đi phương tiện mưu sinh của họ. Bởi đa số những người thu gom rác có hoàn cảnh khó khăn và đã lớn tuổi, khó có thể thích ứng với việc chuyển từ điều kiện xe thô sơ sang xe cơ giới.

Với mỗi người thu gom rác dân lập, ngoài phí thu từ các hộ dân, họ phải nhặt thêm ve chai, mỗi tháng thu nhập cũng chỉ khoảng 6 -7 triệu, vừa đủ trang trải chi phí đắt đỏ ở thành phố nên việc phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư, với họ là điều không thể

Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 4000 công nhân trong hệ thống thu gom rác dân lập với hàng ngàn phương tiện thô sơ và đảm nhiệm đến 60% lượng rác thải của thành phố. 

Theo sở TN&MT sẽ có thêm nhiều cuộc hội thảo để lấy thêm ý kiến cũng như tìm thêm các nguồn vốn khác để hỗ trợ cho các đơn vị thu gom rác. Tuy nhiên, với những nguồn vốn gần như là số 0 của các đơn vị thu gom rác thì sự hỗ trợ cũng sẽ không cải thiện đáng kể tình hình. Chính vì vậy, rất cần giải pháp căn cơ hơn giúp vẫn duy trì được cuộc sống, công việc cho người lao động và bài toán về đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước