Năm 1967, ông Cảnh là một trong 200 sinh viên Việt Nam được cử sang Triều Tiên để học tập. Vài năm sau, trong một lần thực tập, ông gặp bà Ri. Vài tháng một lần, chàng sinh viên Cảnh lại đi xe bus 3 giờ đồng hồ và đi bộ thêm 2km để gặp người mình yêu.
Sau đó ông Cảnh về nước, bà Ri Yong-hui ở lại. Tình yêu xuyên biên giới chỉ được kết nối những bức thư tay mà không biết có tới được người nhận. Năm 1978, trong một chuyến công tác, ông cũng chỉ được gặp lại bà một lần. Quãng thời gian ấy là thử thách cho tình yêu của họ.
Ở Việt Nam, ông Cảnh liên tục gửi thư đến nhiều cơ quan trong nước, nước bạn và những người bạn cùng học bên Triều Tiên kết nối, tác thành cho tình cảm đôi bên. Còn ở nơi cách xa gần 5.000km, bà Ri Yong-hui vẫn đợi chờ người mình yêu.
Năm 2002, một quyết định hiếm hoi của CHDCND Triều Tiên đã cho phép một công dân trong nước cưới người nước ngoài. 31 năm sau bức ảnh đầu tiên chụp cùng nhau, ông Cảnh mới có thể đón vợ về. Một đám cưới hay đúng hơn chỉ là một bữa ăn thân mật đã được chính các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng chuẩn bị.
Về tới Việt Nam, sợ vợ buồn vì ở nơi đất khách quê người, lại không biết tiếng Việt nên mỗi lần đi đâu công tác ông Cảnh đều đưa vợ đi cùng như một cách để bù lại cho những tháng ngày xa cách.
Vượt qua biên giới và cả thời gian, lời hẹn ước 30 năm trước của đôi lứa đã thành hiện thực. Càng khó khăn, càng trở ngại, mối tình giữa hai ông bà càng bền chặt và tình yêu vẫn là chìa khóa gắn kết đôi vợ chồng già sau gần nửa thế kỷ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!