Ga Hà Nội - một trong những biểu tượng kiến trúc của Hà Nội xưa dự kiến sẽ có sự thay đổi diện mạo hoàn toàn trong tương lai không xa. Tại khu vực này, một ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế sẽ được xây dựng mới cùng với một số công trình cao từ 40 - 70 tầng. Nằm ở vùng lõi của Thủ đô với mật độ đô thị khá cao, nên đồ án ngay lập tức vấp phải những băn khoăn của chính các chuyên gia kiến trúc và đô thị.
Tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98,1ha với dân số dự kiến 44.000 người, đồ án ra đời giữa thời điểm Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, dân cư nội đô gia tăng nên lo ngại về sức ép công tác quản lý đô thị là tất yếu.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: "Thông thường ở một đô thị phát triển bền vững mật độ dân số là 2 vạn - 2,5 vạn người, còn nếu lên 3 vạn người sẽ không được".
Cùng mối băn khoăn về sự gia tăng mật độ dân cư sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác, KTS Phan Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội còn cho rằng, đồ án đã đi xa mục tiêu cốt lõi là tăng cường sức mạnh của hệ thống giao thông, chứ không phải ưu tiên phát triển bất động sản thương mại.
"Những nghiên cứu về ga Hà Nội nên tập trung vai trò của giao thông, ưu tiên năng lực vận chuyển. Việc phát triển đô thị xung quanh chỉ là những giá trị gia tăng", KTS Phan Huy Ánh nói.
PGS.TS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia - thừa nhận nếu xét trên lý thuyết việc phát triển đô thị tập trung xung quanh các nhà ga là xu thế phổ biến. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh bảo tồn di sản, ga Hà Nội vẫn là một điểm nhấn quan trọng trong trục kiến trúc cảnh quan của thành phố.
"Khi đặt một mô hình quá to, quá cồng kềnh vào lõi lịch sử nó sẽ phá vỡ cấu trúc. Một thành phố lịch sử cần giữ lại các cấu trúc lịch sử cho tương lai", PGS.TS Phạm Thúy Loan nói.
PGS.TS Phạm Thúy Loan cũng khẳng định rằng đồ án này vẫn đứng trước một nguy cơ lớn khi hệ thống đường sắt chưa được đầu tư trước việc phát triển hạ tầng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!