Donald Trump đắc cử tổng thống: Báo chí Mỹ bị hớ lớn!

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 12/11/2016 16:46 GMT+7

VTV.vn - Sau khi kết quả bầu Tổng thống Mỹ xướng tên ông Donald Trump, truyền thông chính thống Mỹ lại "chết đứng" vì những gì họ đã đưa ra cho công chúng trong hơn 1 năm qua.

Kịch tính và bất ngờ luôn là yếu tố then chốt trong một trận thi đấu để hấp dẫn khán giả. Tuần vừa qua, đã có một trận đấu, kéo dài tới hơn 20 tiếng đồng hồ khiến khán giả trên toàn nước Mỹ và rất đông người trên thế giới phải phấp phỏng khi chứng kiến diễn biến và chờ đợi kết quả. Trận đấu kịch tính cuối cùng giữa một tỷ phú và một nữ chính khách để trở thành chủ nhân của Nhà Trắng.

Nếu như những người làm báo tại Mỹ hồi đầu năm nay được nở mày nở mặt khi giải Oscar hạng mục "Phim hay nhất" xướng tên Spot Light - một bộ phim đặc tả về tính trung thực, tính chiến đấu mãnh liệt của các nhà báo, thì đến thời điểm này, sau khi kết quả bỏ phiếu tranh cử Tổng thống Mỹ réo tên ông Donald Trump, truyền thông chính thống của Mỹ lại đang chết đứng vì những gì họ đã đưa ra cho công chúng trong hơn một năm rưỡi qua.

Brian Stelter - một nhà báo của kênh CNN miêu tả: "Một ngày rưỡi sau cuộc bỏ phiếu, một cảm giác sốc vẫn đang lan tỏa khắp cả phòng tin của chúng tôi".

Tờ New York Times cho rằng, báo chí truyền thông đã hoàn toàn bỏ lỡ câu chuyện của thế kỷ. Số liệu dự báo không chỉ sai mà chúng còn đi ngược hoàn toàn với những gì đang diễn ra.

Trước khi bước vào ngày bỏ phiếu, báo chí Mỹ cũng thi nhau đưa ra những dự đoán dựa vào thăm dò độc lập, mà hầu hết kết quả chung là tỷ lệ chiến thắng của ông Trump rất thấp, như theo tờ New York Times, bà Hillary Clinton có đến 85% cơ hội chiến thắng. Tờ Huffington Post thậm chí còn đưa ra xác suất chiến thắng của bà Clinton còn cao hơn, tới 98%. Hay như Washington Post, cơ hội chiến thắng của ông Donald Trump gần như bằng 0.

Trước cuộc bầu cử, từ ý kiến chuyên gia, đến phỏng vấn người dân của truyền thông chính thống đều hướng về một kết luận: Chính sách của bà Clinton chuẩn mực hơn, hợp lý hơn và hấp dẫn hơn nhiều so với ông Trump.

Nhưng cuối cùng, cử tri Mỹ lại không nghĩ như thế. Phiếu bầu của ông Trump không chỉ đến từ tầng lớp da trắng giàu có như truyền thông mặc định, mà ngược lại, một lượng lớn lại đến từ tầng lớp lao động, những người thất nghiệp, hoặc dân sống ở vùng nông thôn. Họ là những người không được hưởng lợi từ các chính sách hiện nay, họ không đủ tiền sống. Họ thà đánh cược vào một ứng viên không có kinh nghiệm chính trường - nhưng lại đánh trúng được vào cái gì họ cần và hứa hẹn nhiều thay đổi. Họ đã nói, thậm chí hét lên lý do trong các cuộc vận động tranh cử của ông Trump.

Tuy nhiên, đối với phần lớn các nhà báo trong guồng máy truyền thông - những người có bằng đại học, sống ở thành thị và phần lớn theo tư tưởng tự do - những suy nghĩ, lo lắng của họ là một cái gì đó rất lạ lẫm. Đến mức, khi một nhà báo của tờ New York Times muốn đưa ý kiến của một người ủng hộ Trump, đã không thèm ra ngoài phỏng vấn mà tự tưởng tượng ra một nhân vật, tự tưởng tượng ra những quan điểm phân biệt chủng tộc và bạo lực của người này bằng định kiến.

Đến khi kết quả bỏ phiếu cho thấy ông Donald Trump đắc cử, giới truyền thông Mỹ đã bị một cú hớ lớn. Vì họ không bao giờ tưởng tượng, các đám đông hăng hái tụ tập tại các buổi vận động của ông Trump, những người họ cho là sẽ không nghiêm túc về việc bầu cử - lại trở thành rất nhiều lá phiếu quyết định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước