Tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện 4 tháng nay và đang diễn biến rất phức tạp. Tổng số lợn nuôi trên cả nước lên đến 30 triệu con thì gần 2,5 triệu con đã bị tiêu hủy. Quan trọng nhất đối với Việt Nam tại thời điểm này là phải ngăn dịch không lan đến những cụm chăn nuôi quy mô lớn, qua đó hạn chế tối đa thiệt hại của dịch. Đây là chia sẻ của chuyên gia tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) với phóng viên VTV.
Dịch tả lợn châu phi xuất hiện đầu tiên ở các tỉnh phía Bắc, lan dần đến các khu vực chăn nuôi trên cả nước. Theo thống kê đến giữa tuần này, 55/63 tỉnh thành phố đã có dịch. Với diễn biến hiện nay, không loại trừ nguy cơ dịch sẽ lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở Việt Nam vì hai nguyên nhân chính. "Đầu tiên là do đặc tính tự nhiên của virus - virus tả lợn châu Phi tồn tại rất lâu trong điều kiện tự nhiên bình thường, rất khó bị tiêu diệt. Thứ hai, Việt Nam có tính chất chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học", Tiến sĩ Pawin Padungtod - Điều phối viên Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho hay.
Chuyên gia của FAO nhấn mạnh, an toàn sinh học là yếu tố then chốt giúp một trang trại phòng tránh dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh chưa có vaccine như hiện nay. Việc kiểm soát thức ăn nước uống, vệ sinh người ra vào chuồng trại, kiểm soát phương tiện vận chuyển, vệ sinh, khử trùng phải diễn ra hàng ngày.
Tiến sĩ Pawin Padungtod nói: "Nếu một người di chuyển từ vùng có dịch mà không khử trùng kĩ càng, virus có thể bám vào bánh xe hay quần áo. Khả năng rất cao họ sẽ làm virus sang đàn lợn khi đến một khu vực chăn nuôi khác".
Chuyên gia khuyến cáo các hộ chăn nuôi không tận dụng thức ăn thừa từ nhà bếp, không sử dụng các bao cám thừa từ các hộ bị đã bị nhiễm tả để cho lợn nhà mình ăn. Virus tả lợn có thể tồn tại trong những thực phẩm này. Bên cạnh đó số lợn bị tiêu hủy mới chiếm khoảng 10% tổng số lợn nuôi ở Việt Nam. Quan trọng nhất là phải ngăn dịch lây lan tiếp. Nếu các cụm chăn nuôi lớn làm tốt công tác phòng chống dịch thì thiệt hại gây ra bởi dịch tả lợn châu Phi sẽ được giới hạn.
Chuyên gia của FAO cũng khuyến cáo rằng, theo quy định chỉ sau 30 ngày hết dịch là có thể tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi nên thận trọng, không nên vội vã tái đàn đề phòng nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!