Tại Trung Quốc, các báo cáo cho thấy tình trạng bạo hành gia đình tăng lên kể từ khi người dân bị hạn chế ra ngoài. Tỉnh Hồ Bắc ghi nhận số cuộc gọi báo cảnh sát tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn phong tỏa vào tháng 2.
Theo hãng tin AFP, số trường hợp bạo hành gia đình trên cả nước Pháp đã tăng lên hơn 30% kể từ khi quốc gia này thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 17/3. Chỉ riêng ở Paris, số ca bạo hành đã tăng đến 36%. Pháp là một trong số các quốc gia có tỷ lệ bạo hành gia đình cao nhất châu Âu nên tình hình này càng đáng quan ngại. Tại Valencia, Tây Ban Nha, chỉ sau 5 ngày thực hiện cách ly, một người phụ nữ đã bị chồng sát hại trước mặt các con của họ.
Theo các chuyên gia, tâm lý tù túng và lo lắng về bệnh tật, thảm hoạ, nhiều người rơi vào cảnh mất việc. Sự suy giảm của dịch vụ trợ giúp phụ nữ cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ này là những nguyên nhân khiến bạo hành gia đình tăng cao.
Bà Catherine De Bolle, Giám đốc Cơ quan hợp tác thực thi pháp luật EU (Europol), cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có 3 xu hướng phạm tội tăng mạnh trong dịch COVID-19, trong đó có lạm dụng, bạo hành những người dễ bị tổn thương. Hai xu hướng còn lại là buôn bán hàng giả và tội phạm mạng".
Trước sự gia tăng đáng lo ngại về số vụ bạo hành gia đình, chính quyền ở nhiều quốc gia đã nhận ra vấn đề và họ cũng có những phản ứng. Tây Ban Nha là nơi có quy định phong tỏa cực kỳ nghiêm khắc và nhiều người nếu vi phạm luật sẽ bị xử phạt. Chính quyền Tây Ban Nha cho biết phụ nữ sẽ không bị phạt nếu họ rời khỏi nhà để báo về việc bị bạo hành.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau gửi thông điệp rằng: "Chúng tôi hứa sẽ giúp đỡ các bạn qua thời gian khó khăn này. Nếu ngôi nhà không phải là nơi bạn có thể quay trở về vì bạn cảm thấy nó không an toàn, chúng tôi sẽ không bỏ quên bạn. Hồi đầu tháng, chúng tôi đã thực hiện triển khai 200 triệu nơi trú ẩn cho người dân. Nếu bạn gặp vấn đề về bạo lực gia đình, bạo lực giới, nếu bạn cần một nơi để ở, các bạn có thể tới và sống tại đó".
Australia cũng đã chi 150 triệu AUD để thực hiện các sáng kiến chống bạo hành gia đình mùa COVID-19. Tại Anh, Hy Lạp, Mỹ và nhiều quốc gia khác, các đường dây nóng và các nhóm chat hỗ trợ người bị bạo hành được duy trì 24/7. Các chính phủ cũng kêu gọi người dân không nên đứng ngoài cuộc mà hãy bảo vệ những người bị bạo hành bằng cách tố cáo với lực lượng chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!