Nghiên cứu từ một số nước châu Âu, Mỹ và ở Australia cho biết, khoảng 1/3 giáo viên bỏ nghề sau những năm đầu đi dạy, nghề giáo cùng với phóng viên nằm trong 8 nhóm nghề áp lực cao nhất. Áp lực đến từ công việc, từ phụ huynh, từ chính bản thân họ và những năm gần đây, áp lực còn đến từ truyền thông, từ mạng xã hội.
Tại hội thảo về "Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay", TS Phạm Thị Kim Anh từ Đại học sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với tư cách của người ở trong và thấu hiểu, bà cho biết, hầu hết giáo viên phải cố kìm nén, không dám kỷ luật nghiêm khắc với một số học trò được coi như "ông trời con". Đau đớn nhất, có giáo viên nói vì luật không đứng bên tôi, phụ huynh không đứng bên tôi, ngành giáo dục cũng không đứng bên tôi. Không ai hiểu người giáo viên và khi có cơ hội, họ đã phải lên tiếng.
Khi có quá nhiều áp lực, họ buộc phải tự vệ. Khi thông tin có thể luận tội một con người, họ buộc phải ngắt kết nối. Nhiều giáo viên không dám đọc tin, không dùng hoặc không kết bạn hay không dám kết bạn với học trò trên mạng xã hội. Thế nhưng, đó chưa hẳn là cách hay khi lại đẩy mình nằm ngoài sự phát triển của công nghệ. Thầy cô giáo cũng cần phải thay đổi tư duy để thích ứng với môi trường giáo dục mới, giáo dục cả thực và ảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!