Chỉ còn ít ngày nữa là đến 25/11, thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Từ khi công bố đến nay, dự thảo này vẫn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp, phản biện. Không phủ định mục đích tốt đẹp của nghị định khi đưa ra nhiều chế tài mang tính răn đe, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong trường học nhưng đại bộ phận ý kiến vẫn còn nhiều băn khoăn về việc phạt tiền khi giáo viên vi phạm các lỗi như xúc phạm, đánh học sinh, nhất là khi mức xử phạt có thể lên tới 30 triệu đồng.
Ngoài việc bỏ qua tính đặc thù của môi trường giáo dục, có ý kiến cho rằng vấn đề về con người và những giá trị của con người không phải lúc nào cũng đong đếm được nên không phải lúc nào cũng quy ra lỗi xử phạt , vì thế, khó thực hiện.
Ở góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng nhiều nội dung trong dự thảo nghị định không chỉ "hành chính hóa" các giá trị đạo đức mà còn chồng chéo trong việc áp dụng các chế tài. Hiện vi phạm của giáo viên ngoài việc áp dụng theo Luật Công chức, viên chức còn phải chịu sự tác động của dư luận xã hội.
Các vụ việc xảy ra vừa qua như cô giáo im lặng 3 tháng không chịu giảng bài cho học sinh ở TP.HCM, cô giáo quỳ gối ở Long An hay nặng nề hơn là cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau bảng ở Hải Dương cũng đã gây bức xúc dư luận, Tuy nhiên, chưa giáo viên nào bị phạt tiền khi sai nhưng nhiều người trong số họ cũng không còn có cơ hội quay trở lại bục giảng. Thực tế này càng đặt ra câu hỏi: Cần thiết hay không việc phạt tiền giáo viên?
Không thể phủ nhận vẫn có những sự việc tiêu cực trong quan hệ thầy trò, có một vài hiện tượng cá biệt của các giáo viên nhưng không thể vì điều đó mà đánh đồng tất cả những thầy, cô vẫn đang rất tâm huyết với nghề, hết lòng vì các thế hệ học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!