Hàng loạt ao, hồ tại Hà Nội đang bị "bức tử"

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 09/11/2018 16:34 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ao, hồ tại Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng nề, không còn giữ được vai trò điều tiết, điều hòa môi trường sống.

Sống bên… hồ chết

Bên mép hồ Linh Quang, vài chục căn phòng tạm bợ, nhờ nhợt trong ánh sáng hiếm hoi của khoảng trống từ phía hồ hắt vào. Thế nhưng, khoảng trống ấy cũng là nơi tập trung đủ thứ phế phẩm, rác rưởi, thải loại cùng những con chuột to quá bắp tay người.

Với mức tiền nhà chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng nay lại được chủ nhà cho hẳn, níu chân gần 100 lao động nghèo ngoại tỉnh bám trụ xóm trọ tồi tàn, nồng nặc mùi rác ven hồ. Lựa mưu sinh thay vì môi trường sống của người lao động nghèo cũng là điều bất đắc dĩ dễ hiểu.

Tuy nhiên, cái hồ ô nhiễm chẳng phải là sự lựa chọn bất đắc dĩ của riêng những người lao động nghèo, nó còn là nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân sống quanh hồ.

Bác Nguyễn Văn Diêm - phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội nói: "Không phải là hồ nữa mà gọi là cái bể phốt của khu vực này. Chúng tôi phải chịu rất nhiều thứ từ ruồi muỗi, bọ gậy… Ngoài ra, trở trời một cái mùi hôi bẩn nó sộc lên".

Hồ Linh Quang đã ô nhiễm nặng nề hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là chất thải rắn từ các nguồn rác sinh hoạt, phế liệu xây dựng lại do chính một bộ phận dân cư thiếu ý thức ném, đổ, tràn lan, xâm lấn mặt hồ. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bao gồm cả các khu trọ được xây dựng ven hồ, không qua xử lý vẫn xả trực tiếp xuống lòng hồ…

Môi trường hồ ô nhiễm nặng, nguy cơ dịch bệnh vì thế cũng tăng cao. Theo người dân sống quanh hồ, cách đây 10 năm, khu vực này đã có nhiều người nhiễm phẩy khuẩn tả. Vi khuẩn tả này được tìm thấy trong nước hồ, buộc cơ quan y tế phải khử trùng bằng 1 tấn Cloramin B. Đến thời điểm này, dù dịch tả chưa tái diễn nhưng mối nguy từ các bệnh khác vẫn tiềm ẩn.

Hơn 10 năm chờ từ hồ "chết" thành "phổi xanh"

Hồ Linh Quang nằm ngay giữa khu dân cư phường Văn Chương, Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề đã nhiều năm nay và trở thành nỗi khiếp sợ của người dân sống xung quanh. Dự án cải tạo hồ Linh Quang đã có từ năm 2007, tức là cách đây hơn 1 thập kỷ nhưng do khó khăn về nguồn vốn, dự án phải dừng lại và mới được tái khởi động vào cuối năm 2017.

Hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn đang vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng với gần 50 hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù, di dời.

Dù theo đại diện của UBND Quận Đống Đa, 6 tháng vừa qua, việc thi công được tiến hành rất tích cực. Nhưng, ghi nhận tại hiện trường, các hoạt động thi công mới dừng lại ở việc hút nước khỏi lòng hồ và đổ các khối bê tông cho việc kè bờ sau này.

Trong khi đó, vì giải phóng mặt bằng chưa xong, lại ở dạng xen kẽ nên việc lập các rào chắn, ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác thải, phế liệu xây dựng của một bộ phận dân cư vô ý thức xuống hồ rất khó để thực hiện.

Đồng thời, nước thải của các khu dân cư xung quanh khi chưa được kết nối vào hệ thống cống gom vẫn ngày ngày xả thẳng xuống hồ, thành cảnh bờ này hút, bờ kia xả.

Theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, dự án cải tạo hồ Linh Quang có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng với thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2019. Và trong lúc chờ để hồ Linh Quang chuyển mình từ hồ "chết" thành "lá phổi xanh", người dân quanh hồ vẫn phải tiếp tục cảnh sống chung cùng đủ thứ rác thải, mùi khó chịu và cả nỗi lo hồ biến mất.

Khó khăn xử lý ô nhiễm hồ

Thực trạng dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các hồ ì ạch, kéo dài cả chục năm chưa về đích không chỉ ở riêng hồ Linh Quang. Được biết, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hồ Rẻ Quạt trên địa bàn quận Thanh Xuân, đã có từ năm 2004 nhưng cho đến nay cũng vẫn chưa thể thực hiện. Diện tích mặt hồ vốn vào khoảng 2ha nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 0,8ha với mặt nước ô nhiễm.

Trong khi người dân sống quanh hồ chưa được cải tạo mong mỏi từng ngày những dự án hoàn thành để có thể hưởng bầu không khí trong lành, lại có một thực tế khác đó là ngay cả với những hồ đã được cải tạo hoàn thiện người dân cũng chưa được hưởng sự trong sạch của hồ khi mức độ ô nhiễm nước tại những hồ này vẫn rất cao, việc xử lý ô nhiễm nước hồ còn không ít khó khăn.

Hồ Trúc Bạch với góc nhìn từ đường Thanh Niên là làn nước ánh trong cái nắng cuối ngày. Thế nhưng men theo đường ven hồ về phía bán đảo Ngũ Xã là hình ảnh của một hồ Trúc Bạch khác với dòng nước đen đặc từ mương thải của khu dân cư nối thẳng vào hồ. Thời điểm này, công ty Thoát nước Hà Nội đang tiến hành nạo vét bùn tại điểm thắt nối giữa mương và lòng hồ. Bùn múc lên đặc quánh, bốc mùi nồng nặc. Theo đại diện của đơn vị, tổng lượng bùn dự kiến nạo vét là 1500 m3, tương đương khoảng hơn 200 chuyến xe dù lần nạo vét trước đó mới thực hiện cách đây 1 năm.

Việc tiếp nhận trực tiếp nước thải chưa qua xử lí cũng là thực trạng của gần 30 hồ trên 125 hồ mà công ty thoát nước Hà Nội đang quản lí. Nước thải trực tiếp không chỉ khiến lượng bùn lắng đọng, dày lên đáng kể mà còn làm suy giảm, ô nhiễm nghiêm trọng chất lượng nước trong các hồ.

Hiện việc xử lí nước hồ đang được công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện với chế phẩm Redoxy 3C định kỳ theo phân loại nhóm hồ. Tuy nhiên, không ít hồ bị tái ô nhiễm sớm, buộc phải xử lí trước hạn.

Đáng nói hơn, mức độ ô nhiễm dầu mỡ tại không ít hồ đang tăng nhanh do nguồn thải từ các khu dân cư, nhà hàng hay các cơ sở sửa chữa, trong khi chế phẩm Redoxy 3C lại không có tác dụng.

Cũng theo công ty Thoát nước Hà Nội, việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C cũng chỉ mới thực hiện được cho 87 hồ đã được cải tạo trên tổng số 125 hồ. Với những hồ chưa cải tạo, công tác xử lí dừng lại ở việc vớt và thu dọn rác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước