Hiểm họa rình rập cuộc sống người dân "phố đường tàu”

Trung tâm Tin tức VTV24-Chủ nhật, ngày 23/06/2019 16:32 GMT+7

VTV.vn - Cuộc sống của những người sống bên cạnh các tuyến đường sắt lặng lẽ trôi qua từng ngày mặc cho những hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào.

Tuyến đường sắt Hà Nội có tới 20km đi qua khu dân sinh sát đường tàu, đặc biệt là ở các tuyến phố đông đúc như Khâm Thiên, Trần Phú, Điện Biên Phủ. Mặc dù thành phố đã có phương án di dời "phố đường tàu" từ rất lâu thế nhưng cho đến nay vẫn không thấy triển khai, nhiều hộ dân ở đây vẫn bám trụ mưu sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Hiểm họa rình rập cuộc sống người dân phố đường tàu” - Ảnh 1.

2 năm nay, tuyến đường tàu đi qua các con phố Điện Biên Phủ - Trần Phú lại trở thành điểm tham quan tấp nập của du khách bốn phương. Họ đánh đổi mạo hiểm, để có vài giây trải nghiệm đoàn tàu chạy qua sát người.

Tuy nhiên, với hàng chục hộ dân ở xóm đường tàu, họ đã mạo hiểm như vậy cả cuộc đời. Trẻ con ở xóm đường tàu, ngoài lời ru của mẹ, đứa trẻ nào cũng lớn lên cùng với tiếng xình xịch của tàu hỏa và thuộc giờ tàu chạy như thuộc bảng cửu chương.

Em Vũ Thị Thanh Ngoan nói: "Tàu đến cháu đi vào nhà, hoặc là đứng nhờ nhà hàng xóm. Đứng nép vào và không đi qua đi lại nếu không tàu sẽ hút vào".

Hiểm họa rình rập cuộc sống người dân phố đường tàu” - Ảnh 2.

Nhà ở "phố đường tàu" rộng nhất cũng chỉ 15m2, nên mọi sinh hoạt từ nấu nướng, tắm giặt… đều diễn ra cách đường ray tàu chưa đến 2m. Người bình thường có thể cho rằng sống ở cạnh đường sắt rất nguy hiểm nhưng đối với người dân nơi đây thì chẳng vấn đề gì.

Em Nguyễn Tuấn Anh cho biết: "Tàu đi rung rung cháu ngủ ngon hơn. Nếu chuông reo 5 phút sau là có tàu chạy đến, phải đứng sau vạch đỏ".

Đoạn tàu 500m đi qua khu vực Trần Phú, Phùng Hưng trước kia chỉ có vài hộ, chủ yếu là cán bộ công nhân đường sắt, nay đã có trên dưới 30 hộ với hơn 100 người, cả những người lao động nghèo, làm thuê. Xây mới thì không có phép, chuyển đi lại không có tiền nên từng ấy con người với bao thế hệ vẫn mạo hiểm bám trụ.

Ở "phố đường tàu" đã 55 năm từ lúc sinh ra, ông Phùng Tuấn Anh mới chỉ 2 lần nghe thấy cụm từ "giải tỏa". Lần đầu tiên ông nghe cách đây gần 30 năm khi ông có con và lần thứ hai cách đây 10 năm khi đứa cháu ra đời.

"Dân lao động không bao giờ mơ ước được ngôi nhà to hơn rộng hơn được. Chúng tôi xác định ở thế nào biết thế đấy thôi", ông Phùng Tuấn Anh nói.

Từ nay đến năm 2025, ngành đường sắt sẽ xóa hơn 1.500 đường sắt cắt ngang khu dân sinh trên cả nước. Còn với các hộ dân ở xóm đường tàu, ước mơ thay đổi cuộc đời cũng trôi dần theo từng chuyến tàu đi và về.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước