"Bây giờ nước chưa rút hẳn ở nhiều nơi nên việc thứ nhất là ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để thiệt hại tiếp tục xảy ra", Thủ tướng lưu ý. Đặc biệt là bảo đảm an toàn các hồ đập, bảo vệ tốt các di sản văn hóa ở các địa phương.
Thứ hai, cần tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát, dịch bệnh. Nước rút đến đâu cần chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó.
Thứ ba, các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão ở Trung ương và địa phương phải huy động các lực lượng như đoàn viên, thanh niên, hội viên ở những vùng ít bị thiên tai đến hỗ trợ vùng thiên tai nặng, giúp người dân dựng lại nhà cửa, không để người dân lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tập trung phục hồi cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông đi lại bình thường, phục hồi sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ đông xuân mới để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân năm 2017.
Mưa lũ chia cắt quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định (Ảnh: Báo Người lao động)
Thủ tướng các yêu cầu các bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ được giao, trực tiếp xuống hỗ trợ địa phương, người dân. Từng ngành liên quan như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, công an, quân đội… có kế hoạch hỗ trợ các địa phương.
Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ và thống kê của các tỉnh, đã có ít nhất 33 người chết và mất tích, riêng Bình Định là 16 người.
Đến sáng 18/12, Bình Định đã có 15 tuyến đê bị vỡ hoàn toàn với chiều 350m, gần 12km đê sông, 5km kè cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Do các đoạn đê vỡ quá lớn và nước hiện vẫn chưa rút nên nhiều gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn do nước từ các con sông tràn qua. Hiện các tuyến đê sông đang bị sạt lở nặng còn lại cũng đang rơi vào tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.
Ngày 16/12, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã có mặt tại tỉnh Bình Định để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt.
Công tác cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương (Ảnh: Báo Người lao động)
Hiện cả tỉnh Bình Định hiện vẫn còn hơn 70 xã với trên 70 ngàn hộ dân đang bị ngập, cô lập. (Ảnh: Báo Người lao động)
Tại Bình Định, vấn đề ưu
tiên lúc này là cung cấp lương thực và nước uống để người dân không bị đói và
khát, nhất là các vùng đang bị chia cắt do mưa lũ.
Hiện cả tỉnh Bình Định hiện vẫn
còn hơn 70 xã với trên 70 ngàn hộ dân đang bị ngập, cô lập. Nhiều hộ dân được
di dời trước đó vẫn chưa được về nhà vì
nhiều nơi vẫn đang ngập từ 1,5 đến 2 mét, có nơi thậm chí ngập sâu
hơn. Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu quyết không để người dân nào ở vùng cô lập thiếu đói và
khát nên đã chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp 15
tấn lương khô, 20 ngàn thùng mì tôm và 40 ngàn chai nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!