Ngay lập tức, một nhóm các nhân viên y tế trong trang phục đồ phẫu thuật và đeo khẩu trang đã ra chặn đoàn xe đòi tự do ra đường này. Thông điệp rất rõ: "Các bạn không có quyền đẩy tất cả chúng ta vào nguy hiểm. Hãy về nhà đi!".
Kênh tin NBC dẫn lời một y tá tại thành phố Denver gọi những cuộc biểu tình như thế này giống như một cú tát vào nỗ lực của các nhân viên y tế, bởi những người dân này ra đường không hề đeo khẩu trang, bỏ qua mọi quy định giãn cách xã hội và bất chấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19. :Họ thậm chí còn đem theo những tấm biển như "Nước Mỹ, nước Mỹ, hãy để cho chúng tôi làm việc", rồi "Tái mở cửa đi" nhằm thể hiện sự "giận dữ" vì phải ở nhà.
Đòi ra đường và mở cửa trở lại dù đang dưới lệnh đóng cửa với một số người có thể là mong muốn được "sổ lồng" nhất thời. Nhưng với nhiều người khác thì thiệt hại kinh tế đau đớn từ việc đóng cửa, hạn chế kinh doanh mới là nguyên nhân chính khiến họ mất kiên nhẫn.
Tờ New York Times nhận định: Duy trì đóng cửa có cái giá của nó. Từ khi dịch bùng phát tại Mỹ đến nay, 26 triệu người dân Mỹ đã rơi vào cảnh bắt buộc phải nghỉ việc và thất nghiệp. Con số khổng lồ đã làm sụp đổ cả thập kỷ tăng trưởng việc làm của Mỹ.
Đã có ít nhất 4 bang rục rịch mở cửa trở lại nền kinh tế từ tuần tới, trong khi một số bang khác vẫn tiếp tục duy trì các hạn chế. Điều này cho thấy sự thiếu đồng nhất giữa các bang, khi một số người dân cảm thấy họ đang bị bó buộc với việc ở nhà vô thời hạn, không có thu nhập trong khi số khác đã được đi làm.
Dù vậy, mở cửa hay không vẫn chưa bao giờ là câu trả lời dễ dàng. Không chỉ Chính phủ Mỹ, giới chức từng bang đều thừa nhận họ đang trong thế "tiến thoái lưỡng nan" để có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng quy mô chưa từng có. Thống đốc bang Michigan thừa nhận: "Không có tình huống nào là không có nguy cơ. Nhưng chúng tôi hiểu rằng ,nếu không áp dụng các biện pháp kiềm tỏa thì cái giá phải trả là mạng sống của chính người dân".
Từ tâm dịch của nước Mỹ, Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng thừa nhận rằng các quan chức địa phương đều cảm thấy áp lực trước việc cho hoạt động trở lại. Ông nhấn mạnh đây không phải là lúc để nới lỏng mọi hạn chế một cách thiếu trách nhiệm. Bởi một bước đi sai lầm có thể khiến dịch bùng phát và kéo lùi tất cả lại. Vậy làm thế nào để được mở cửa mà vẫn đảm bảo sự an toàn? Xét nghiệm diện rộng để khoanh vùng dịch là giải pháp mà phần lớn giới chuyên gia đồng thuận.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra, với dân số gần 330 triệu người, Mỹ cần phải thực hiện khoảng 20 triệu xét nghiệm mỗi ngày trước khi có thể mở cửa lại hoàn toàn. Thực tế cho thấy, số bang có thể tăng cường xét nghiệm như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo CNN, chính điều kiện này đã dẫn đến hoài nghi rằng: Liệu cường quốc số 1 thế giới có đang thực sự sẵn sàng cho việc nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo một khảo sát của Reuters công bố mới đây, đa số người Mỹ vẫn tin rằng "quy định ở nhà" vẫn nên được duy trì cho đến khi giới chức y tế xác định việc dỡ bỏ là an toàn, bất chấp thiệt hại về kinh tế. Điều này cho thấy những cuộc biểu tình như hiện tại chỉ phản ánh mối quan tâm của một bộ phận người Mỹ chứ không phải tất cả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!