Theo phản ánh của người dân, chỉ 1 năm lại đây, hàng trăm ha rừng đã bị phá trụi. Cứ đà này, hơn 3.000 ha rừng tự nhiên tái sinh tại Tĩnh Gia sẽ sớm chỉ là con số trên giấy.
Hơn 20 năm bảo vệ rừng, vậy mà giờ, những chủ rừng này đành khoanh tay đứng nhìn từng cánh rừng bị tàn phá. Họ biết người ta sẽ còn đưa máy xúc lên bạt rừng làm đường nhưng không ngăn chặn được và cây sẽ bị đốn hạ bất cứ lúc nào nên giờ chỉ còn trông chờ vào chính quyền địa phương.
UBND xã Phú Sơn là nơi đã nhận hàng trăm lá đơn kêu cứu của dân có trụ sở nằm ngay sát rừng. Theo những người dân ở đây, họ có thể nghe rõ tiếng máy cưa vọng xuống trong khi lãnh đạo xã này cho rằng những âm thanh ấy có thể chỉ là tiếng chặt cây bụi, phát cỏ và cho biết rừng cũng đã quá nghèo rồi, có còn gì mà phá.
Đành rằng rừng ở trên núi xa, cán bộ xã sẽ khó phát hiện kịp nhưng ở xã Phú Sơn này, người dân cho biết, mỗi ngày có cả chục xe chất đầy gỗ chạy ầm ầm. Đêm xuống, tiếng ô tô chở gỗ chạy vang cả góc rừng nhưng lãnh đạo xã vẫn khẳng định... không có chuyện đó.
Trao đổi với phóng viên VTV24, đại diện huyện Tĩnh Gia khẳng định, rừng tự nhiên Phú Sơn chưa được phép chuyển đổi đồng nghĩa không ai được phép khai thác. Huyện từ lâu cũng nghe dân phản ánh về nạn phá rừng nhưng vẫn đang chờ xã báo cáo. Tuy nhiên, trong lần kiểm tra mới đây, đoàn liên ngành của huyện vẫn khẳng định không có chuyện phá rừng.
Trong khi chờ chính quyền vào cuộc, những người dân dù hàng ngày phải lo miếng cơm manh áo vẫn phải thay nhau gác rừng. Tuy nhiên họ không biết còn gắng gượng được bao lâu, còn những cánh rừng xanh bạt ngàn với cây dẻ, sồi và nhiều loại gỗ quý khác sẽ tồn tại đến khi nào. Vì khi tiếng cưa vẫn chưa dừng, cây tiếp tục bị hạ, mỗi ngày sẽ thêm những cánh rừng tan hoang.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!