Cách đây 60 năm, ngày 25/3, tại thủ đô Roma của Italy đã đánh dấu một sự kiện quan trọng: Hiệp ước Roma được ký kết với 6 thành viên bao gồm: Bỉ, Đức, Hà Lan, Italy, Luxembourg và Pháp, tạo nền móng cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay.
Một cộng đồng chung ngày càng trải rộng với 28 nước thành viên, Liên minh châu Âu đã trở thành một trong 3 cực kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới và được coi như một liên minh thành công nhất. Cho đến tháng 6/2016, khi Vương quốc Anh bỏ phiếu, rời bỏ mái nhà chung.
EU "trách" Anh vì ra đi, nhưng người Anh có lý do của mình. 60 năm dài như một đời người, châu Âu đã dần già yếu với quá nhiều căn bệnh.
Mâu thuẫn đã phát sinh giữa các nước Tây Âu phát triển và giàu với các nước mới gia nhập ở Trung và Đông Âu.
Một cơ chế tiền tệ và tài khóa chung, khi mỗi nước đều có vấn đề riêng đã đẩy một loạt quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. Cả các trụ cột như Pháp, Italy cũng rơi vào suy thoái với tỉ lệ thất nghiệp cao.
Khó xử lý về mặt kinh tế đến các vấn đề chính trị xã hội, EU cũng đau đầu để dung hòa một mái nhà quá đông thành viên, như gần đây là vấn đề người tị nạn, đến giờ vẫn chưa có một tiếng nói chung.
Thêm nữa, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp, Đức, Bỉ, Anh... dưới nhiều cấp độ, đã đặt châu Âu vào một cuộc chiến vô cùng khó khăn. Vấn đề an ninh đã khiến Hiệp ước Schengen, niềm tự hào của EU bị xem xét lại.
60 năm, nếu không muốn tan rã, đã đến lúc mái nhà chung, cơ thể chung phải tìm cách chữa bệnh, phải tìm cách hồi sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!