Lỗ hổng cấp phép thủy điện nhỏ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 28/10/2019 14:02 GMT+7

VTV.vn - Góp phần tăng sản lượng điện, đóng góp ngân sách nhưng cảnh báo về môi trường dân sinh của các công trình thủy điện vừa và nhỏ lại chưa được coi trọng.

Trận lũ quét tại ở xã Bản Hồ, huyện Sa Pa vào rạng sáng 25/6/2019, nước lũ nhanh chóng tràn vào nhà ngập cả mét nước, người dân không kịp trở tay. Nguyên nhân chính được Sở Công Thương tỉnh Lào Cai kết luận do nhà máy thủy điện Sử Pán 1 xả lũ không đúng quy định, cũng không thông báo trước với chính quyền địa phương và người dân.

Thiệt hại ước tính gần 17 tỷ đồng cho 60 hộ dân nhưng chủ dự án thủy điện Sử Pán 1 chỉ bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng. Việc đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng, phía thủy điện chỉ đồng ý hỗ trợ 50% theo phương án của tỉnh đưa ra (khoảng 1,6 tỷ), nhưng đến giờ vẫn dùng dằng chưa thực hiện đầy đủ. Lý do phía thủy điện đưa ra là bởi chính họ cũng bị thiệt hại vì lũ quét.

Không thể phủ nhận việc đóng góp ngân sách và điện năng của các công trình thủy điện trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc thủy điện hoạt động như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân và cả môi trường khu vực xung quanh là điều thường chỉ được nhìn nhận khi những hậu quả đã xảy ra. Còn với người dân bản địa, họ không chỉ lo lắng về sự an toàn mỗi khi thủy điện xả lũ mà còn trăn trở về kế sinh nhai của mình.

Thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng du lịch homestay tại Sapa

Ngược về quá khứ, những năm 2000, Bản Hồ là điểm đến lý tưởng cho du khách khi tới Sa Pa. Thời điểm đó, Bản Hồ có gần 30 homestay nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác, chỉ với chiều dài chưa đầy 10km, con suối Mường Hoa đã "cõng" trên lưng 3 thủy điện. Thủy điện cần tích nước còn du lịch cần giữ nguyên bản cảnh quan để tạo điểm nhấn.

Đại công trường ở khắp nơi, ở huyện Sapa đã có tới 20 dự án thủy điện. Còn trên địa bàn cả tỉnh có tới 82 dự án đã được phê duyệt. Những hình ảnh trận lũ kinh hoàng hồi tháng 6 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động không mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn đến từ sự thờ ơ với môi sinh xung quanh công trình thủy điện.

Cách Sử Pán 1 không xa là công trường nhà máy thủy điện Bản Hồ cùng chung một chủ đầu tư đã triển khai hơn 1 năm nay. Núi vẫn đang bị xẻ, suối vẫn đang bị ngăn dù UBND tỉnh Lào Cai chưa hề giao đất. Chưa có giấy phép đăng ký khai thác thu hồi khoáng sản và cũng chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường.

Dễ dãi cấp phép xây dựng thủy điện

Chưa đủ giấy tờ, chưa đủ kế hoạch bảo vệ môi trường nhưng vẫn thi công là chuyện không hiếm của các dự án thủy điện nhỏ. Theo quy định ban hành năm 2015, trong giai đoạn 2015 - 2019, những dự án thủy điện có công suốt dưới 10 MW không cần phải có bản đánh giá tác động môi trường. Đó cũng là thời điểm hàng loạt các công trình thủy điện nhỏ xuất hiện.

Tuy nhiên, đến năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy rằng, dự án thủy điện từ 2MW trở lên là đã cần thiết phải có đánh giá tác động môi trường nhưng phải đến năm 2019 mới cụ thể hóa điều này trong Nghị định.

Chính sự thiếu nhất quán giữa các quyết định tại giai đoạn này đã trở thành lỗ hỗng khiến nhiều dự án thủy điện nhỏ để lại hệ lụy tới môi trường. Trong khi đó, cách xử lý hiện tại chỉ có thể là điều chỉnh dự án, cấp phép bổ sung hoặc xử phạt hành chính.

Theo Bộ Công Thương, trong vòng 7 năm từ 2012-2018, Bộ này liên tục rà soát và phối hợp với các địa phương để loại bỏ khỏi quy hoạch 479 dự án thủy điện nhỏ không cần thiết. Tuy nhiên, với những dự án đã thi công, trong năm 2017, Bộ này chỉ nhận được 20 bản báo cáo đánh giá tác động môi trường trong tổng số hơn 700 dự án đang được triển khai thời kỳ đó.

Chính sự không nhất quán trong các văn bản quy định đã giúp cho các dự án thủy điện dễ dàng hơn trong việc cam kết bảo vệ môi trường. Từ trước tới nay cũng chưa có dự án thủy điện nào bị rút giấy phép hoạt động sau các vi phạm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng thủy điện đang trong giai đoạn bão hòa, bởi địa điểm nào có tiềm năng về thủy điện thì các nhà đầu tư cũng đã triển khai xây đập ngăn dòng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực phát triển nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường như điện Mặt trời, điện gió để thay thế và cung cấp cho nguồn năng lượng điện Quốc gia. Vì thế, mỗi dự án công trình thủy điện mới càng cần được các địa phương xem xét, đánh giá thật kỹ trước khi đặt bút phê duyệt.

Ruộng mất, suối khô vì thủy điện Suối Mu Ruộng mất, suối khô vì thủy điện Suối Mu

VTV.vn - Dự án thủy điện Suối Mu, nằm ngay trên đầu thác Mu, được khởi công từ năm 2016. Nhiều cảnh báo khi đó đã được đưa ra và đến nay, không ít cảnh báo đó đã thành hiện thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước