Lũ lụt và ngập úng - Thách thức của tương lai

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 06/09/2018 15:06 GMT+7

VTV.vn - Từng ngày, từng giờ lũ lụt và ngập úng đang là nỗi lo của nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Theo một nghiên cứu mới được công bố, các đợt lũ ngày một lớn hơn và dài hơn, ngập lụt ở mức độ ngày càng sâu ở nhiều nơi trên thế giới và đang là mối nguy hại cần các quốc gia phải đưa ra giải pháp cấp thiết. Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc này.

Thứ nhất: Do sự bùng nổ dân số khiến cơ sở hạ tầng không theo kịp là một trong những nguyên nhân chính làm cho nhiều thành phố lớn trên thế giới thường xuyên chịu cảnh ngập lụt khi có mưa lớn.

Thứ hai: Do tình trạng nước biển dâng, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, thủy triều mỗi năm lại dâng cao hơn.

Thứ ba: Do tình trạng sụt lún nền đô thị. Theo các chuyên gia, đây là một vấn đề nghiêm trọng hơn vì hiện nay ở một số nơi trên thế giới, tốc độ đất lún đang diễn ra nhanh hơn 10 lần so với mực nước dâng lên. Khai thác nước ngầm ở những thành phố có nền đất yếu có thể gây ra tình trạng sụt lún tới 15cm mỗi năm. Nhiều thành phố còn thấp hơn mức nước sông. Chính vì vậy khi có mưa hoặc triều cường là nước không thể tiêu thoát tự nhiên ra ngoài.

Viện nghiên cứu Deltares của Hà Lan mới đây còn cho biết một phần của Jakarta, Bangkok và TP.HCM của Việt Nam cùng nhiều khu định cư đô thị ven biển khác sẽ chìm dưới mực nước biển chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa.

Các thành phố ngập lụt nhiều nhất thế giới

Jakarta đang bị nước biển nhấn chìm với tốc độ đáng sợ khi đất đã lún tới 4m kể từ năm 1970 tới nay. Hoạt động khai thác nước ngầm phục vụ nhu cầu sinh sống khiến nền đất bị lún, dẫn đến tình trạng ngập lụt càng trở nên tồi tệ hơn vì nước không thoát được ra biển. Dự báo năm 2050, 95% Jakarta sẽ bị chìm trong nước biển.

Tình trạng ngập lụt đã tăng tới 400% tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ. Hệ thống thoát nước được thiết kế để thoát nước dư thừa từ đường phố ra biển nhưng với áp lực từ mực nước biển dâng và thủy triều cao hơn, nước biển đang bị đẩy vào những đường ống thoát nước và tràn ra ngoài đường. Điều này gây ra lũ lụt tại Miami ngay cả vào những ngày không có mưa.

Dự báo chỉ trong 10 năm nữa, 40% Bangkok sẽ luôn chìm trong nước lụt. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hạ tầng kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, vừa cũ vừa không đủ công suất cùng với các hiện tượng thiên tai bất thường sẽ khiến thành phố này lún tới 2cm mỗi năm.

Mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và hiện tượng ngập úng

Ngoài các nguyên nhân chủ quan như khai thác nước ngầm không hợp lý, quy hoạch kém, một trong những thủ phạm chính của hiện tượng ngập úng xảy ra với Jakarta và trong tương lai sẽ có rất nhiều thành phố khác trên thế giới chính là biến đổi khí hậu.

Ngập lụt cướp đi sinh mạng và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân trên thế giới mỗi năm. Trong những năm qua, các quốc gia không ngừng thực hiện các giải pháp đối phó với tình trạng này cụ thể như: Xây dựng và củng cố hệ thống đê, nạo vét sông, củng cố hệ thống đường thủy, bố trí hệ thống máy bơm quanh các khu vực thấp.

Ngoài ra, việc thiết kế hệ thống thoát nước và lắp đặt các máy đo lượng mưa tự động cũng giúp giảm thiệt hại do lũ lụt. Đường hầm chống ngập lụt cũng là một phần của hệ thống quản lý lũ lụt thường thấy ở các khu vực đô thị như đường hầm SMART của Malaysia - một dự án đường hầm đa chức năng được hoàn thành vào năm 2007, có chức năng chuyển hướng, lưu trữ nước mưa và cho phép xe cộ lưu thông qua đường hầm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước