Sau khi Pháp dỡ trại tị nạn Calais hồi năm 2016, những người di cư muốn tới Anh buộc phải chọn con đường nguy hiểm hơn, không phải theo cách riêng lẻ mà tìm tới dịch vụ vận chuyển của các băng đảng tội phạm có tổ chức.
Ngoài việc là chủ nhân của một quán bar hoạt động trái phép tại Sokoto, Nigeria, người đàn ông được biết đến với tên John còn làm một công việc nằm ngoài vòng pháp luật khác đó là buôn người.
Dịch vụ này có mức giá phổ biến nhất rơi vào khoảng 33.000 Bảng với hứa hẹn con đường sang châu Âu, chủ yếu là Anh, sẽ ngắn nhất và ít rủi ro nhất. Ở mức giá "phổ thông" hơn, trả từ 10.000 - 20.000 bảng Anh, những người di cư sẽ phải trải qua hành trình kéo dài nhiều tháng vượt biên qua nhiều nước trước khi vào được Anh.
John sẽ đưa người di cư đi qua nước láng giềng Niger, tới Lybia. Tại đây, họ sẽ được đồng bọn của John đón và đưa sang Italy bằng đường biển để vào châu Âu. Nhiều nước châu Âu khác như Pháp, Bỉ, Bulgaria trở thành trạm trung chuyển cho những chuyến xe chở lậu người di cư. Nhưng bản thân đối tượng môi giới này thừa nhận, anh ta hiểu rõ chỉ có một nửa trong số người di cư mà mình vận chuyển là tới được đích đến.
Nhưng ngay cả khi tới được châu Âu, người di cư có thể đối mặt với những nguy cơ khác. 10.000 phụ nữ chỉ tính riêng đến từ châu Phi đã bị những kẻ buôn người buộc làm gái mại dâm để trả các món nợ lên tới hàng chục nghìn Euro cho chúng.
Pháp luật châu Âu khó có thể bảo vệ những người nhập cảnh bất hợp pháp. Những nhóm tình nguyện viên hay người dân nếu thương tình chỉ có thể giúp đỡ đôi chút. Nhưng tại một số nước như Pháp và Bỉ, luật pháp cũng rất nghiêm khắc với người hỗ trợ di dân bất hợp pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!