Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vài ngày trở lại đây, lượng CO2 trong không khí đã giảm từ 5 - 10%. Đây là lần đầu tiên tình trạng này được ghi nhận kể từ năm 2007.
Vài tuần trở lại đây, khi lệnh giới nghiêm được ban hành tại New York, việc đi lại của người dân đã giảm đáng kể. Mật độ giao thông trong thành phố ước tính giảm hơn 1/3 so với năm ngoái. Lượng khí CO do các phương tiện vận tải thải ra cũng ghi nhận mức giảm tới 50% trong những ngày cuối tuần qua.
Tuy nhiên, tình trạng môi trường được cải thiện như hiện nay lại xảy ra trong bối cảnh không ai mong muốn, khi dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng khắp toàn cầu. Gần 4 tỷ người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế đi lại; các nhà máy, sân bay phải đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức vào cuối năm nay cũng được hoãn sang năm 2021.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 từng giúp giảm 1,5% lượng khí thải CO2 toàn cầu nhưng tình hình nhanh chóng tồi tệ trở lại sau khi sản xuất phục hồi. Các nhà khoa học môi trường kỳ vọng sau đại dịch lần này, chính phủ các nước sẽ có động thái quyết liệt hơn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế dần cho nhiên liệu hóa thạch - một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng lượng khí thải cacbon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!