Một chương trình sẽ dùng cùng lúc 5 bộ sách, vậy con em mình sẽ học theo bộ sách mới nào? Câu hỏi này đang là băn khoăn của hầu hết các bậc phụ huynh có con bắt đầu vào lớp 1 từ năm 2020.
Trong việc chọn sách giáo khoa, các trường sẽ tự thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình. Hội đồng có tối thiểu 11 thành viên, trong đó 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Sách giáo khoa được chọn phải có trên 50% phiếu bầu.
Đáng chú ý, thông tư này có quan điểm tiến bộ là cho phép giáo viên trực tiếp đứng lớp, phụ huynh học sinh tham gia vào Hội đồng chọn sách. Tuy nhiên, để chọn được sách, yêu cầu bắt buộc là các thành phần tham gia vào Hội đồng phải nghiên cứu hết 32 đầu sách.
Đã 1 tháng sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa, thế nhưng đến nay các giáo viên tại Trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart Hà Nội vẫn chưa được tiếp cận sách giáo khoa mới.
Các giáo viên tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (TP.HCM) có chút may mắn hơn khi được chọn thực nghiệm tiết học với sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, các thầy cô cũng chỉ được tiếp cận duy nhất với một bản sách giáo khoa Tiếng Việt.
Đâu là điểm khác biệt riêng có của từng bộ sách? Triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục của bộ sách nào phù hợp với đối tượng học sinh nào? Những câu hỏi có tính phân loại để tìm ra bộ sách tối ưu cho học sinh của các nhà trường vẫn chưa tìm được câu trả lời, dù Bộ đã tổ chức họp báo hay các nhà xuất bản đã tiến hành nhiều hoạt động giới thiệu.
Thật khó để biết được mỗi bộ sách đã được thực nghiệm bao lâu với quy mô mẫu số lớn nhỏ như thế nào và hiệu quả dạy và học ra sao? Bởi biên bản thẩm định sách vẫn chưa được công khai.
Mặc dù đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định là "không nhất thiết phải dạy thử", nhưng tại hệ thống giáo dục Thăng Long Kidmart, nơi luôn đặt học sinh là trung tâm của mọi hoạt động, nhà trường vẫn chủ trương thực nghiệm lại để đo độ phù hợp của cả 5 bộ sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!