Thực trạng trên đồng nghĩa với việc người lao động Việt Nam dù đã được cấp thị thực nhưng vẫn không được xuất cảnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp cũng như người lao động trong nước. Trong gần 2 tháng nay, tâm lý hoang mang và bị động đã xuất hiện.
Hồ sơ người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu không ngừng tăng nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận rồi để đấy. Nguyên nhân là do có nhiều đơn hàng được đối tác nước ngoài thông qua, thị thực đã được cấp nhưng tất cả đều bị trì hoãn vô thời hạn vì dịch bệnh COVID-19.
Thị trường tiếp nhận lao động của Việt Nam bị ảnh hưởng, khiến nhiều doanh nghiệp đào tạo lao động đi xuất khẩu bị rơi vào tình thế khốn khó. Do kế hoạch đã bị trì hoãn, thay vì được đi lao động ở nước ngoài, phần lớn người lao động chỉ còn biết tìm kiếm cơ hội việc làm với những doanh nghiệp trong nước.
Hầu hết quốc gia sử dụng lao động Việt Nam sang làm việc hiện đã tiến hành ngừng nhập cảnh. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch đào tạo và chuyển đổi lao động đi làm việc tại những thị trường khác, hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!