Hành trình lớn lên của những đứa trẻ không chỉ có kiến thức Toán học, Vật lý, kiến thức văn hóa mà rất cần những kiến thức về kỹ năng khác trong cuộc sống. Đó có thể là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, hay kỹ năng giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh. Trong cuộc sống hiện đại, đôi khi vì quá bận rộn với công việc mà những bậc phụ huynh quên đi việc dành thời gian gần gũi với con em mình. Thế nhưng, đã có những người thầy, đã có những tấm lòng thiện nguyện, họ ở mọi lứa tuổi khác nhau vẫn đang làm một điều thật ý nghĩa đó là "Cùng trẻ lớn khôn".
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 175.000 trẻ em chết mỗi năm do đuối nước. Ở một vùng nông thôn thuộc khu vực ngoại thành Cần Thơ, có một thầy giáo đã 20 năm tình nguyện dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo. Việc làm của người thầy giáo già tận tụy đã giúp cho phụ huynh vùng quê yên tâm hơn về nỗi lo đuối nước đối với con em mình. Trong số những học trò của ông, một ngôi sao đã tỏa sáng với danh hiệu "kình ngư" nước Việt.
Cũng trong báo cáo của UNICEF, tai nạn giao thông là một trong những tai nạn trẻ em dễ gặp phải nhất. Trong năm 2015, 1.900 trẻ em sẽ không chết do tai nạn giao thông nếu được đội mũ bảo hiểm. Bởi trong đó có tới 50% bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm. Trong tuần qua, 20.000 chiếc mũ bảo hiểm đã được dành tặng miễn phí cho học sinh tiểu học ở Hà Nội.
Theo đó, điểm dừng chân đầu tiên của 20.000 chiếc mũ bảo hiểm chính là trường Tiểu học Sơn Đồng, một trường học ở ngoại thành Hà Nội. Hàng ngày, nhiều em phải đi qua quốc lộ để tới trường học.
Đây là món quà được Hội đồng Đội Trung ương cùng nhà tài trợ tặng miễn phí cho các em. Đối với các em thiếu nhi, phải làm cho các bé yêu chiếc mũ như yêu giấy bút, sách vở của mình, đó là tiêu chí thiết kế mũ. Mỗi chiếc mũ bảo hiểm truyền đi một thông điệp, các em hãy tự đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Mỗi em sẽ là một tuyên truyền viên nhỏ, để người lớn cùng các em bảo vệ cho cuộc sống hạnh phúc của gia đình. Trong những ngày tiếp theo, những chiếc mũ bảo hiểm đáng yêu này sẽ tiếp tục hành trình yêu thương đến với 10 trường tiểu học khác ở Hà Nội.
Dạy các em bơi, trao tặng cho các em mũ bảo hiểm, trang bị những kiến thức về giới tính - tự bảo vệ mình, nhưng trong hành trình lớn lên của các em, có một thứ cần được trang bị nữa đó là tình yêu thương và sự chia sẻ với mọi người xung quanh. Những cô cậu học trò có sở thích nhặt rác ở Đồng Tháp, 4 năm qua, đã nhặt phế liệu đem bán rồi quy đổi thành học bổng. Việc làm này đã trở thành phong trào được toàn thể giáo viên và học sinh trường Trung học phổ thông Tháp Mười hưởng ứng rất mạnh mẽ. Những người thầy người cô đã dạy các em về cuộc sống từ những điều nhỏ nhất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!