Đã 1 tuần trôi qua kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành lệnh phong tỏa quốc gia 1,3 tỷ dân này. Dù đây được đánh giá là biện pháp quyết liệt, cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 nhưng cũng khiến người dân các khu ổ chuột gặp nhiều khó khăn.
Đã nhiều ngày nay, bà Bharpai không thể rời khỏi nhà trong khu ổ chuột tại phía Bắc Mumbai. Từng ấy ngày trôi qua là từng ấy nỗi lo chất chồng lên khi tình cảnh tại khu ổ chuột đang là thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhà vệ sinh và tới đây sẽ là thiếu tiền để trang trải cho những nhu cầu cơ bản nhất.
Ra khỏi nhà làm việc kèm theo rủi ro nhiễm bệnh hoặc ở nhà và vật lộn với cái đói là tình thế tiến thoái lưỡng nan không chỉ của riêng bà Bharpai. Thực tế cho thấy, với 74 triệu người nghèo ở Ấn Độ, tương đương 1/6 dân số nước này, đang sống trong cảnh chật như nêm ở những khu ổ chuột, việc thực hiện lệnh phong tỏa đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh nỗi lo cơm áo, nước sạch cũng là một lý do người dân nghèo Ấn Độ buộc phải ra khỏi nhà hàng ngày, lấy nước từ các bể nước công cộng. Theo hãng tin AP có khoảng 160 triệu trên tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ không được sử dụng nước sạch, biến đây thành một trong những nguyên nhân khiến những dân nghèo đứng trước rủi ro lây nhiễm cao hơn với COVID-19.
Theo CNN, khảo sát của Trung tâm Phát triển bền vững tại Ấn Độ cho thấy tại một khu ổ chuột ở Mumbai, trung bình 1.440 cư dân sử dụng chung một nhà vệ sinh.
Cũng theo nghiên cứu của trung tâm này, hệ số lây nghiễm bệnh COVID-19 ở các khu ở chuột này có thể cao hơn đến 20% so với thế giới, chủ yếu do điều kiện sống chưa đạt chuẩn và mật độ dân số cao. Đây rất có thể sẽ là những yếu tố kìm hãm nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng tại Ấn Độ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!