Đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, được nhà trường ghi lại và đưa lên mạng xã hội Facebook, đình chỉ học tập trong 4 ngày, hạ bậc hạnh kiểm loại yếu hoặc trung bình trong học kỳ 1 là cách trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình kỷ luật học sinh trên vì đã có những lời lẽ thô tục, mang tính chất xúc phạm một nhóm nhạc Hàn Quốc.
Mục đích của kỷ luật là để học sinh hoàn thiện mình hơn. Tuy nhiên, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, TP.HCM, việc kỷ luật học sinh mà chưa thông qua Hội đồng kỷ luật và cũng không lập hồ sơ kỷ luật của trường THCS Ngô Quyền là sai quy trình, vội vã.
30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, TS. Nguyễn Kim Dung cho biết, khi bước vào tuổi 13, 14, tâm sinh lý thay đổi, các em luôn muốn thể hiện bản thân. Để xử lý một lỗi vi phạm của học sinh, giáo viên và nhà trường trước hết phải đưa ra cách thức phù hợp vì ở tuổi này các em rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Việc xử phạt là để học sinh biết sai, có ý thức sửa chữa và có cơ hội để sửa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu vội vã, việc xử phạt dễ bị tác dụng ngược và người chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất lại chính là các em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!