Hầu hết các tai nạn giao thông đường thủy đều gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tháng 11/2015, một sà lan đâm vào trụ cầu Bình Lợi tại TP.HCM, khiến cho dầm cầu bị xô lệch, hàng chục lượt tàu hỏa qua đây phải dừng hoạt động. Trước đó, cầu Bình Lợi cũng xảy ra những sự cố tương tự.
Vào tháng 3/2016, một chiếc sà lan đâm sập cầu Ghềnh (Đồng Nai), khiến cho toàn bộ tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua khu vực này bị hư hỏng suốt gần 1 năm, thiệt hại tới 22 tỷ đồng và phải xây lại một cầu mới trị giá 300 tỷ đồng.
Theo số liệu của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3, trong năm 2017, xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 14 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương, đồng thời làm chìm đắm 37 sà lan, tàu thuyền. Trong chỉ 4 tháng đầu năm 2018, cũng xảy ra 14 vụ tai nạn đường thủy làm 8 người thiệt mạng, sập 5 căn nhà, chìm đắm 11 sà lan, tàu thuyền.
Tổng thiệt hại do tai nạn giao thông thủy nội địa trong năm 2017 và 4 tháng năm 2018 lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Các cấp ngành, chính quyền địa phương đều đưa ra quyết tâm là sẽ quyết liệt ngăn chặn, không để tai nạn tiếp diễn. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vi phạm vẫn tràn lan và 80% những vụ vi phạm về giao thông đường thủy là do chở quá trọng tải.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!