Sau những tai nạn đáng tiếc do để quên học sinh trên xe đưa đón, đã có nhiều công văn của các cấp, ngành yêu cầu, hướng dẫn về việc rà soát dịch vụ xe đưa đón học sinh. Thế nhưng, sự vào cuộc của các ban ngành với hình thức công văn, văn bản hướng dẫn liệu đã đủ để đảm bảo một quy trình an toàn cho dịch vụ đi lại chính đáng này của học sinh?
Khi dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, mỗi trường một khác thì quy trình, nhân sự thực hiện cũng mỗi nơi một kiểu. Tại trường Mầm non Tân Chi, người chịu trách nhiệm quản lý học sinh trên xe ngoài tài xế là người thân hoặc người mà nhà xe tuyển dụng. Còn ở Trường Mầm non Phương Nga, một giáo viên đứng lớp được điều động để thực hiện nhiệm vụ này.
Công việc phải thực hiện, kỹ năng cần phải có - cũng bởi vậy, không có tiêu chuẩn hay mẫu số chung.
Thực tế, sau sự việc tại trường Gateway, ngày 16/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.
Còn tại Bắc Ninh, ngày 22/8, Phòng Giáo dục UBND Huyện Tiên Du cũng ra văn bản tăng cường quản lí với xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn. Thế nhưng, ngày 13/9, tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mí trên chính địa bàn huyện này đã xảy ra việc để quên trẻ.
Công văn hướng dẫn sát với sự vụ thực tế là cần thiết nhưng cũng sẽ chỉ là những mảnh chắp vá giữa các cấp, ngành - khi đến nay vẫn chưa có một quy định cụ thể về quy trình, công việc chi tiết phải thực hiện với dịch vụ này. Đương nhiên, sự khác biệt về quy trình đưa đón với đối tượng học sinh khác nhau, nhất là lứa tuổi mầm non và tiểu học cũng chưa có.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!