Nhiều người Hàn Quốc khi được hỏi về tuổi, họ sẽ trả lời cả "tuổi Hàn" và "tuổi quốc tế", kèm theo lời giải thích gây bối rối.
Theo truyền thống Hàn Quốc, mỗi đứa trẻ đều được tính là 1 tuổi ngay khi chào đời và 2 tuổi khi bước sang năm mới. Điều này là bất lợi lớn với những em bé sinh ra vào cuối năm.
Hệ thống tính tuổi truyền thống này khiến các bậc phụ huynnh lo ngại bởi con cái mình sẽ phải học chung với những bạn về lý thuyết thì bằng tuổi nhưng rõ ràng có độ già dặn hơn. Vì lẽ đó, một số gia đình thậm chí còn để lập kế hoạch mang thai sao cho con họ không sinh vào cuối năm. Một số khác bất đắc dĩ phải khai sinh cho con vào tháng 1 năm sau thay vì để cuối năm trước.
Một vấn đề khác là tuổi pháp lý và tuổi Hàn Quốc sử dụng vẫn tồn tại song song, gây nhiều bất tiện và nhầm lẫn như việc tuyển quân tham gia nghĩa vụ quân sự. Một dự luật xóa bỏ cách tính tuổi truyền thống, vì thế, rất thu hút sự chú ý của công chúng.
Khảo sát do đài truyền hình SBS thực hiện cho thấy, có tới 92% số người được hỏi đồng tình với việc chuẩn hóa cách tính tuổi để thông tin cá nhân trên giấy tờ thống nhất và thuận tiện cho công việc.
Hiện các quốc gia từng áp dụng cách tính truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên cũng đã đều xoay sang chỉ sử dụng tuổi quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi nhất định nếu cách tính tuổi truyền thống bị xóa bỏ, bởi lịch âm vẫn là một phần quan trọng của văn hóa châu Á.
Mọi thay đổi đều cần thời gian để được chấp thuận. Dù vậy, dự thảo luật mới vẫn là một cách để phản ánh nguyện vọng của ngày càng đông người dân Hàn Quốc với việc chỉ duy trì một loại tuổi duy nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!