Sinh con với người đã mất: Bệnh viện "rối" vì bỏ ngỏ quy định

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 18/12/2018 14:09 GMT+7

VTV.vn - Pháp luật hiện nay chưa quy định trường hợp người chết có thể sinh con. Vì vậy nhiều gia đình gần như bị dập tắt hy vọng có con, có cháu.

Tính đến năm 2018 là tròn 20 năm Việt Nam thực hiện kỹ thuật điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Với kỹ thuật phát triển rất cao, phương pháp này đã giúp rất nhiều gia đình hiếm muộn có thể sinh con.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người vợ hoặc chồng không may đột ngột qua đời, việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện. Lý do là các pháp luật hiện nay chưa quy định trường hợp người chết có thể sinh con. Nhiều gia đình, gần như bị dập tắt hy vọng có con, có cháu. Liệu có cách nào giúp cho những gia đình hiếm muộn đạt được nguyện vọng sinh con với người đã mất?

Gian nan hành trình xin sinh con với người đã mất

6 tháng trước, người con trai duy nhất của bà Hòa và ông Minh (đường Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM) đột ngột lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà chỉ kịp nhờ bệnh viện trữ lại tinh trùng cho con với mong muốn có được một đứa cháu. Con dâu bà cũng mong muốn có con với chồng đã mất. Thế nhưng, khi bà đưa con dâu đến bệnh viện làm thủ tục xin thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh viện từ chối vì lý do con bà đã qua đời.

Cậu con trai duy nhất đột ngột qua đời khi vừa kết hôn vài tháng. Nỗi đau mất con, bà Hòa không thể chia sẻ với chồng - người thương binh nặng đã nằm điều trị 3 năm nay.

Còn với những người mẹ như bà Huyền (Phú Nhuận, TP.HCM) lại có nỗi khổ riêng. Bà bị bệnh viện từ chối xin điều trị hiếm muộn cho con dâu vì gần 2 năm trước khi con trai qua đời nhưng chưa kịp làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Bác sỹ Lý Thái Lộc (Trưởng khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) cho biết, hiện nay quy định pháp luật chỉ cho phép sử dụng tinh trùng hoặc phôi, trứng của bệnh nhân khi họ còn sống nhưng khi họ qua đời chưa có quy định.

Làm đơn gõ cửa các nơi, nỗi lòng của những người mẹ như bà Hòa, bà Huyền không chỉ mong có đứa cháu ẵm bồng lúc tuổi già, mà còn nặng trĩu tâm tư ai sẽ lo hương khói cho dòng họ, nhất là những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh.

Bệnh viện "rối" vì bỏ ngỏ quy định sinh con với người đã mất

Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay vấn đề cho phép sinh con với người đã mất còn rất mới ở Việt Nam. Một số văn bản pháp luật như: Bộ Luật dân sự, Luật Hôn nhân gia đình và Nghị định 10 năm 2015, quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điệu kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều 21 Nghị định số 10 năm 2015 quy định, khi người gửi tinh trùng, noãn, phôi bị chết, mà cơ sở lưu trữ nhận được thông báo khai tử từ gia đình người gửi, phải hủy tinh trùng, noãn, phôi của người đó. Trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và đóng phí lưu giữ.

Mặc dù quy định, thân nhân có thể yêu cầu bệnh viện lưu trữ trứng, tinh trùng, phôi thai, nhưng lại không nói rõ, lưu giữ đến khi nào và có được sử dụng hay không? Ai được quyền sử dụng? Việc bỏ ngỏ quy định này, khiến cho các bệnh viện không biết phải xử lý như thế nào với những "tài sản đặc biệt".

Bác sĩ Lý Thái Lộc cho biết, hiện nay nhu cầu gửi giữ tinh trùng, trứng, phôi rất lớn. Không chỉ những gia đình hiếm muộn, mà những người bệnh, bị tai nạn giao thông, hoặc đột tử… được thân nhân yêu cầu bệnh viện gửi trữ rất phổ biến.

Tại Bệnh viện Hùng Vương hiện lưu trữ hàng chục nghìn trứng, tinh trùng, phôi thai. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, những mẫu này có thể lưu trữ vài năm, thậm chí vài chục năm.

Bệnh viện Từ Dũ và một số trung tâm điều trị hiếm muộn khác từng gặp tình trạng người nhà bệnh nhân "đòi" trả lại tinh trùng đã gửi. Tuy nhiên, bệnh viện yêu cầu phải có văn bản công chứng, xác định quyền thừa kế với tinh trùng đã gửi. Tuy nhiên, chưa có phòng công chứng nào chứng thực vấn đề này.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM nói: "Chúng tôi mong muốn luật nhanh chóng bổ sung điều chỉnh với vấn đề thực tế có xảy ra để có thể bao trùm được mọi trường hợp cũng như Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể để chúng tôi có thể hỗ trợ cho người bệnh, đặc biệt trong những trường hợp 1 trong 2 vợ chồng không may qua đời trong quá trình điều trị".

Hiện cả nước có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn và trên 20 trung tâm lưu trữ phôi, trứng và tinh trùng. Việc bỏ ngỏ quy định khiến cho các bệnh viện không biết nên xử lý thế nào trước yêu cầu được sinh con với người đã qua đời, cũng như các "tài sản đặc biệt" đang được gửi giữ tại đây.

Đề xuất khung pháp lý cho phép người chết sinh con

Mới đây, 1 nhóm sinh viên ở 2 trường đại học tại TP.HCM đã thực hiện công trình nghiên cứu khoa học mang tên Xây dựng khung pháp lý cho phép người chết sinh con. Nhóm cho rằng, cần quy định cho phép người chết sinh con giống như pháp luật một số nước.

Để đảm bảo quyền lợi của trẻ em và hạn chế việc lạm dụng sử dụng tinh trùng nhằm trục lợi, một số quốc gia như Pháp, Đức… không cho phép sử dụng tinh trùng của người chết hoặc cho phép sử dụng nhưng hạn chế một số quyền.

Pháp luật một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Hy Lạp, Israel… coi tinh trùng là "tài sản đặc biệt", bệnh viện được chuyển giao, "trả lại" cho thân nhân; người thừa kế được phép được phép sử dụng.

Em Đoàn Thanh Hải - Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM nói: "Em mong muốn có những quy định để giúp những người rơi vào hoàn cảnh đáng thương có thể có con bởi việc này rất thiêng liêng với gia đình".

Nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung: Quy định cho phép người chết được sinh con; Quy định tinh trùng, phôi… là tài sản có thể thừa kế, có thể để lại di chúc, định đoạt tinh trùng giống như mô, tạng .. sau khi qua đời; Quy định về khai sinh, hộ tịch… cho đứa trẻ ra đời.

Đề tài của nhóm đã giành giải nhất trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka của thành đoàn T.PHCM và giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018. Đồng thời, đề tài trên đã được chuyển giao để góp ý dự thảo xây dựng luật trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước