Hơn 50.000 lao động bị bóc lột tại Brazil đã được giải cứu trong 22 năm qua. Với lực lượng cơ động chống bóc lột nhân công Brazil, đây không phải thành tích mà là một cuộc chiến cam go, trong đó, các trại chăn nuôi gia súc là nơi vấn nạn này diễn ra nghiêm trọng nhất.
"Những lao động bị bóc lột phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, lịch làm việc kiệt sức, chỉ được ăn 1 bữa/ngày trong khi không nhận được đồng lương nào hoặc chỉ ba cọc ba đồng vì đã bị trừ vào tiền ăn và tiền dụng cụ", ông Andre Wagner, Điều phối viên Đơn vị cơ động, Bộ Lao động Brazil cho biết.
Một đôi giày của người đang sống thân phận nô lệ thời hiện đại (Ảnh: Aljazeera)
Trong một cuộc đột kích mới đây, 1 gia đình 7 người làm việc như những nô lệ thời hiện đại đã được giải cứu. Họ không được nhận đồng lương nào trong suốt 2 năm. Chỗ ngủ của họ là những chiếc võng, còn nơi tắm gội, giặt giũ chỉ có độc chiếc vòi nước ngoài trời.
Một mặt họ không được trả lương, mặt khác lại trở thành người mắc nợ với lý lẽ ràng buộc của chủ lao động.
50.000 lao động bị bóc lột tại Brazil đã được giải cứu trong 22 năm qua (Ảnh: Aljazeera)
Tuy nhiên, trong những cuộc đột kích, người mà lực lượng đặc nhiệm muốn tìm nhất chính là người chủ lao động lại bặt vô âm tín. Nếu bị phạt, các chủ lao động sẽ phải đền bù, thông thường cho mỗi trường hợp là 2000 USD. Tuy nhiên, dù có tiền đền bù, những lao động phổ thông do tuổi tác và khả năng hạn chế, rất có thể lại sa vào 1 nơi bóc lột lao động khác.
Với nhà chức trách Brazil, cuộc chiến chống bóc lọt này, nếu chỉ có giải cứu thì không thể chiến thắng mà cần có sự siết chặt luật hơn nữa với những người lạm dụng lao động.
Tình trạng bóc lột người lao động trong các trại chăn nuôi gia súc tại Brazil
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!