Ông Mohammed Riaz và vợ ông (người Pakistan) đã làm gạch từ khi còn nhỏ, hàng ngày họ làm việc đến khi kiệt sức. Bà Naseem Riaz nói: "Để nuôi 4 đứa con, tôi phải làm 200 - 300 viên gạch, thế mà vẫn không đủ sống".
Tương lai của con em họ cũng bị cột chặt vào nhà máy gạch này. Ông Mohammed Riaz cho biết: "Con tôi phải ra ngoài lấy đất sét từ bé thay vì đi học. Đó là lựa chọn duy nhất".
Họ chỉ được về nhà khi làm đủ số gạch, nghĩa là họ sẽ phải làm việc 12 tiếng/ngày trong điều kiện khắc nghiệt. Họ sống trong 1 căn nhà nhỏ, đổ nát chỉ với những bức tường bao quanh. Họ mua thức ăn bằng 1 nửa số tiền họ kiếm được. 1 nửa dành để trả nợ.
Ông Mohammed Riaz cho biết thêm: "Hai con tôi bị ốm và tôi phải mời bác sĩ đến nhưng không cứu được. Tôi phải vay tiền để chữa trị và chôn cất chúng".
Nhưng số nợ của họ đến hết đời cũng sẽ không bao giờ trả hết bởi tiền lương họ được trả quá thấp trong khi tiền lãi trả cho chủ nợ lại rất cao. Làm nô lệ chung thân cho các chủ nợ là điều họ đã biết trước.
Bà Naseem Riaz nói: "Nếu chúng tôi chạy trốn, họ sẽ truy tìm và tra tấn chúng tôi. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Chúng tôi sống còn tồi tệ hơn so với động vật".
Những hoàn cảnh tuyệt vọng của những công nhân tại nhà máy gạch là chủ đề của 1 cuộc triển lãm tại Lahore, Thủ đô văn hóa của Pakistan. Người mở cuộc triển lãm này là bà Fatima, người đã từng làm việc trong nhà máy gạch khi còn trẻ.
Bà Syeda Fatima cho biết: "Trẻ em gái bị các chủ nhà máy hãm hiếp. Tất cả công nhân, trẻ em, đang phải trải qua một cuộc sống rất đáng thương".
Để tổ chức được cuộc triển lãm này, bà Fatima đã phải đương đầu với muôn vàn nguy hiểm, thậm chí cả tính mạng của bà và những người thân trong gia đình. Nhưng điều đó không ngăn cản bà đưa câu chuyện tại các nhà máy gạch của Pakistan ra triển lãm, để giúp những công nhân thoát khỏi tình trạng nô lệ. Bà cùng tổ chức của mình đã giúp hàng trăm công nhân thoát khỏi tình trạng áp bức trong các nhà máy. Những nỗ lực của bà mở đầu cho một cuộc đấu tranh dài lâu nhằm đưa những người công nhân thoát khỏi tình trạng nô lệ.
Nhằm loại trừ mọi hình thức nô lệ hiện đại, Liên Hợp Quốc cho rằng đây là một cuộc đấu tranh kiên trì và lâu dài. Cuộc chiến này đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia thông qua luật pháp, giáo dục và hợp tác quốc tế, đồng thời, cần phải trừng trị nghiêm khắc tội phạm buôn bán và khai thác lao động cưỡng bức và giúp đỡ những nạn nhân hòa nhập trở lại với cuộc sống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!