Bê bối sửa điểm thi đã khơi dậy lại sự phẫn nộ của dư luận về vấn đề vốn đã trở thành một nét văn hoá tiêu cực trong môi trường học tập và làm việc tại Nhật Bản: Đó là phân biệt giới tính. Theo Washington Post, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tốt nghiệp đại học là 50%, cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ thường đứng trước sức ép từ bỏ công việc sau khi kết hôn hoặc có thai. Có tới 60% số phụ nữ Nhật Bản mất việc khi có con lần đầu. Nhưng không chỉ thế, trước khi nghỉ việc, họ còn phải đối mặt với vô số áp lực.
Hồi tháng 4 vừa qua, vụ việc một người phụ nữ nhận khiển trách và kỷ luật khi có thai đã làm dư luận Nhật Bản dậy sóng. Luật bất thành văn, cô cũng như bao nhân viên khác phải tuân theo một bảng quy định xếp lượt để mang thai tuần tự mà không ảnh hưởng đến công việc.
Thống kê cho thấy, cứ 4 phụ nữ mang thai tại Nhật thì có 1 phụ nữ bị chèn ép trước khi nghỉ việc. Cũng vì lý do này, tại Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc chính thức ít hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển khác. Thay vào đó, họ thường gắn bó với những công việc bán thời gian với mức lương và đãi ngộ thấp. Suốt nhiều năm qua, rất nhiều tổ chức đã lên tiếng đòi quyền bình đẳng giới tại Nhật Bản. Tuy nhiên, quan niệm về vai trò của người phụ nữ đã vô tình đóng khung họ vào những bất công.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!